Đảm bảo chất lượng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu: Quản lý theo chuỗi giá trị

Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam không ngừng tăng lên, hiện đứng thứ hai Đông Nam Á, thứ 13 trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
214354-thanh-long-binh-thuan-duoc-nhat-ban-chinh-thuc-cap-bang-bao-ho-chi-dan-dia-ly-1633860748.jpg
Các thị trưởng tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cần đảm bảo an toàn cũng như chất lượng. Ảnh: TTXVN

Hiện tại, các thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Điều này đặt ra yêu cầu phải đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị. Và việc phải trở thành phổ biến, chủ đạo để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam đã ký kết và tham gia đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do; trong đó đặc biệt có hai Hiệp định thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA).  Việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tích cực xúc tiến thương mại, tháo dỡ rào cản đã mở ra thị trường thế giới rộng lớn tiêu thụ nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Nhưng theo đó, Việt Nam cũng phải thực hiện các cam kết về kiểm dịch động thực vật rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Phát triển ngành công nghiệp chế biến, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ chế biến tiên tiến, áp dụng hệ thống quản lý theo HACCP, ISO 22000 cho các ngành hàng như rau quả, tôm, cá tra, giết mổ gia súc gia cầm, cà phê.... Nhiều nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp vào EU, Mỹ, Nhật Bản...

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất chưa chú trọng đúng mức, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó về các biện pháp kiểm dịch động thực vật và thường rơi vào thế bị động khi vướng phải các cảnh báo vi phạm các tiêu chuẩn an toàn chất lượng và yêu cầu kiểm dịch từ các thị trường, thậm chí bị trả lại hàng hóa.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, khi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự bền vững, doanh nghiệp cần hàng có thể mua ở vùng sản xuất theo một tiêu chuẩn nào đó nhưng lại bán sang một thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khác, cũng sẽ xảy ra việc không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo đúng thị trường xuất khẩu.

Theo ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực đi đàm phán để mở cửa thị trường cho nông sản, nắm các tiêu chuẩn và phổ biến lại cho doanh nghiệp, nông dân. Nhưng trong quá trình xuất khẩu, sự kiểm soát từ Việt Nam còn thiếu chặt chẽ nên còn tình trạng hàng xuất khẩu sang đến nơi không đảm bảo tiêu chuẩn.

Ông Lê Quốc Thanh cho rằng, doanh nghiệp cần định hướng thị trường trước, định bán cho thị trường nào thì phải áp dụng sản xuất cho quy trình ở thị trường đó đòi hỏi.

“Nếu doanh nghiệp đặt trước, có cam kết thì cơ bản nông dân sẽ sản xuất đáp ứng theo yêu cầu. Việc mỗi doanh nghiệp cần hình thành vùng nguyên liệu cho mình là điều rất quan trọng. Nếu không sẽ vẫn rơi tình trạng không đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu”, ông Lê Quốc Thanh nhìn nhận.

0255-nang-cao-gia-tri-nong-san-1633860864.jpg
Trái cây tươi luôn được đòi hỏi về chất lượng và an toàn thực phẩm khắt khe nhất.


Với những trái cây tươi, sự đòi hỏi về chất lượng, an toàn thực phẩm luôn là khắt khe nhất. Bởi vậy, doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn thực phẩm và công nghệ bảo quản để đảm bảo chất lượng. Để đáp ứng yêu cầu thị trường như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, EU… mà doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu sang, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group chia sẻ, doanh nghiệp đã liên kết với hợp tác xã, hộ nông dân. Ngay từ khâu canh tác, sản xuất doanh nghiệp đã hướng dẫn nông dân cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gì, phân bón gì, không có hoạt chất bảo vệ thực vật gì. Khi nông dân sử dụng, doanh nghiệp phải có sự giám sát, kiểm tra đảm bảo đạt tiêu chuẩn bao tiêu.

Trong sản xuất, công ty thiết lập mã số cho nông dân, vùng trồng để quản lý từng hộ. Sản phẩm khi trước thu hoạch phải có sự kiểm tra xác suất. Nếu sản phẩm đạt thì sẽ đưa vào “luồng xanh” của doanh nghiệp. Nếu vi phạm với dư lượng ở mức độ thấp thì đưa vào “luồng vàng” để có sự kiểm soát và hướng dẫn sản xuất lại cho vụ sau. Với những vườn bị vi phạm nghiêm trọng, thì cần làm rõ nguyên nhân và cũng cho họ thêm cơ hội trong mùa sản xuất tới. Tuy nhiên, nếu nông dân tiếp tục vi phạm thì Công ty Vina T&T Group sẽ loại vườn đó ra khỏi chuỗi liên kết.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, quan trọng là khi liên kết, doanh nghiệp đã hướng dẫn rõ những loại vật tư nông nghiệp nào được sử dụng hay không được sử dụng và thời điểm sử dụng rõ ràng. Ở mỗi địa phương, vùng sản xuất đều có một đội kỹ thuật hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình chặt chẽ của doanh nghiệp. Tất cả các khâu sản xuất đều đòi hỏi chuyên môn cao nên sẽ hạn chế rủi ro.

Theo ông Lê Quốc Thanh, ngành nông nghiệp xác định sản xuất bán không chỉ cho xuất khẩu mà còn cho thị trường trong nước nên phải có tiêu chí, để đạt được tiêu chí đó thì cần có “con đường” để được đạt được tiêu chí đó. Bây giờ không thể có bài toán “ăn may” trên thị trường. Con đường đó là doanh nghiệp và nông dân cùng nhau hợp tác, chia sẻ hướng đến bền vững. Tương lai doanh nghiệp nào có vùng nguyên liệu, kiểm soát được vùng nguyên liệu thì sẽ có thị trường.

Ông Đào Thế Anh nhận định, sau dịch COVID-19, người tiêu dùng trên thế giới sẽ thay đổi về quan điểm an toàn thực phẩm, chất lượng, đó là hạn chế nguy cơ lây lan bệnh từ động vật sang người. Một số nước cũng siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm, điển hình như Trung Quốc. Muốn xuất khẩu thì phải sản xuất theo các tiêu chuẩn. Như vậy các đơn vị sản xuất phải tư duy lại, sản xuất phải theo tiêu chuẩn; tiêu chuẩn không chỉ cho xuất khẩu mà cả phân phối trong nước để được đưa sản phẩm vào các kênh siêu thị.

“Làm theo tiêu chuẩn ít nhất cũng cần sản xuất theo VietGAP, có mã vùng sản xuất. Trước đây người nông dân có thể e ngại chưa làm nhưng giờ để bán được thì bắt buộc phải làm. Trong tương lai đây sẽ là yêu cầu tiên quyết để bán được sản phẩm ổn định”, ông Đào Thế Anh chỉ ra.

Để làm theo tiêu chuẩn thì các hộ nông dân cần tích cực tham gia hợp tác xã. Vì muốn chứng nhận thì phải chứng nhận chung theo hợp tác xã. Với quy mô sản xuất nhỏ, nếu làm chứng nhận từng hộ sẽ rất đắt đỏ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có những dự án xây dựng, quản lý vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh lớn với các sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời hỗ trợ hợp tác chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp với nông dân ở các vùng trồng. Cả doanh nghiệp và nông dân phải chủ động thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của nhà nhập khẩu. Điều này sẽ giảm nguy cơ hàng xuất khẩu bị trả lại.

Theo ông Đào Thế Anh, trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động phân tích các chỉ số an toàn thực phẩm. Hiện các dịch vụ về phân tích và các phòng phân tích đủ tiêu chuẩn phân tích cho sản phẩm xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, thậm chí các phòng phân tích này cần có tại vùng nguyên liệu để giảm chi phí. Do đó, Nhà nước cần có chính sách để khuyến kích phát triển lĩnh vực dịch vụ này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu rõ, đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản phải theo chuỗi, nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn, qua đó thay đổi nhận thức hành vi của các tổ chức chủ thể đảm bảo an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm không thể cắt khúc mà phải theo chuỗi giá trị từ sản xuất cho đến sơ chế, chế biến, đóng gói đến người tiêu dùng. Vì vậy, cần xây dựng các mô hình gắn với thực tiễn triển khai và nếu có vướng ở đâu tháo gỡ khó khăn ở đó tạo điều kiện cho chuỗi giá trị phát triển.