Đảm bảo an toàn nghề nuôi cá lồng trên vùng đầm phá

hiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát triển mô hình nuôi cá lồng tại vùng đầm phá, ven biển góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Nhằm giảm thiệt hại trong mùa mưa lũ, người nuôi cá lồng đang tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng cá. Tận dụng lợi thế mặt nước trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, các hộ ngư dân xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Trần Hùng là một trong những hộ nuôi cá lồng có quy mô lớn nhất xã Vinh Hiền, với hơn 50 lồng cá, nuôi xen ghép nhiều loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như: cá mú, cá vẩu, cá bớp, cá hanh... So với năm 2020, năm nay có nhiều thuận lợi, cá phát triển tốt; đặc biệt, trong vụ nuôi cá lồng “vượt lũ” phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán cá phát triển đúng kích cỡ, đạt chất lượng hứa hẹn vụ mùa bội thu. 

vna-potal-hue-dam-bao-an-toan-nghe-nuoi-ca-long-tren-vung-dam-pha-mua-mua-bao-5795685-1638261441.jpg

Ngư dân xã Vinh Hiền (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) nuôi cá lồng trên đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Ông Trần Hùng chia sẻ, nuôi cá "vượt lũ" phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro nhưng mang lại thu nhập cao. Những đợt mưa lũ kéo dài nguồn nước bị ngọt hóa, để hạn chế thiệt hại người nuôi phải nhấn chìm các lồng cá xuống sát đáy vì ở dưới vẫn còn độ mặn và hạn chế cho cá ăn. Với số lồng hiện tại, cá đang phát triển tốt, ước tính sản lượng năm nay đạt khoảng 10 tấn. Cá năm nay được giá, dự kiến doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.

Ngoài việc chọn nguồn cá giống tự nhiên, thức ăn cũng từ loại cá nhỏ được thu mua tại chỗ, đặc trưng vùng nước lợ trên khu vực đầm phá tại Vinh Hiền đã tạo nên chất lượng cá vượt trội so với khu vực khác. Để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con ngư dân, Chi Hội nghề cá xã Vinh Hiền đã vận động hội viên, bà con ngư dân mạnh dạn vay vốn đầu tư, mở rộng quy mô và số lượng lồng nuôi. Chi hội nghề cá xã Vinh Hiền hiện có 103 hội viên đang nuôi 606 lồng cá. Nghề nuôi cá lồng đã mang lại nguồn sinh kế quan trọng cho nhiều gia đình, có hộ thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Ông Lê Thiết, Chủ tịch Chi hội nghề xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc cho biết: nuôi cá lồng ở Vinh Hiền lo lắng nhất là mưa lũ kéo dài ngày, làm nước trên đầm bị ngọt hóa. Nhằm giảm thiệt hại trong mùa mưa lũ, chi hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng, tuyên truyền cho hội viên tuân thủ kỹ thuật, kiểm soát nguồn thức ăn, thường xuyên kiểm tra môi trường nước để chủ đông các giải pháp phòng bệnh cho cá; nhấn chìm các lồng cá xuống dưới đáy và tổ chức chằng, chống lồng bè khi có mưa lũ, bão gió xảy ra.

Phong trào nuôi cá lồng trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai đang phát triển mạnh và được bà con ngư dân hưởng ứng tích cực. Thống kê của UBND xã Vinh Hiền, trên địa bàn xã hiện có gần 1.600 lồng cá, với 400 hộ tham gia nuôi, sản lượng bình quân đạt khoảng 200 tấn cá các loại. Trở thành “vựa cá đặc sản” của tỉnh Thừa Thiên – Huế, với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá vẩu, cá nâu, cá dìa…

vna-potal-hue-dam-bao-an-toan-nghe-nuoi-ca-long-tren-vung-dam-pha-mua-mua-bao-5795676-1638261441.jpg

Nuôi thủy sản lồng, bè tại tại vùng đầm phá, ven biển Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Ông Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc cho biết, mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn xã hằng năm đem lại giá trị kinh tế lớn, đảm bảo phát triển kinh tế của bà con. Để đảm bảo an toàn từ nay cho đến hết vụ nuôi, chính quyền địa phương thường xuyên cập nhật thời tiết để ứng phó, đảm bảo kỹ thuật nuôi, mật độ cá trên mỗi lồng.

Cùng đó, tuyên truyền vận động bà con thu hoạch các loại cá phát triển tốt, đạt kích cỡ, để bán dần, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt; khuyến cáo bà con triển khai mô hình nuôi cộng sinh nhiều loại cá để tạo môi trường sinh thái ổn định. Hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp để xây dựng thương hiệu cá mú, cá vẩu đặc sản của địa phương để nâng cao giá trị thương hiệu và thu nhập cho bà con ngư dân trên địa bàn xã.

Thừa Thiên - Huế là địa phương có thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản từ nguồn nước ngọt trên các sông và nguồn nước lợ trên khu vực đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có hơn 6.200 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng hàng năm trên địa bàn tỉnh bình quân đạt hơn 14.000 tấn.

Trong đó, có hơn 3.700 hộ tham gia nuôi thủy sản lồng, bè với hơn 7.800 lồng, bè tập trung các huyện Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Trà…. Nhằm giảm thiệt hại do mưa bão, nhiều hộ nuôi cá lồng đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng cá như đầu tư thêm thùng phao nổi; gia cố lại lồng bè, mua lưới chắn xung quanh các lồng cá, chọn nuôi các loài cá phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu.

vna-potal-hue-dam-bao-an-toan-nghe-nuoi-ca-long-tren-vung-dam-pha-mua-mua-bao-5795689-1638261441.jpg

Ngư dân xã Vinh Hiền (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) nuôi cá lồng trên đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thừa Thiên – Huế cho hay, để giảm thiệt hại rủi ro, ngay từ đầu mùa mưa bão, các hộ nuôi lồng bè cần kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào những nơi kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp, độ mặn ổn định đối với nuôi cá lồng nước lợ, nước mặn khi cần thiết; che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài.

Ngoài ra, tăng cường vệ sinh lồng, lưới sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước nhanh; triển khai các giải pháp để cung cấp oxy, tăng sức đề kháng cho cá nhằm giảm thiểu, tránh nhiễm dịch bệnh khi nguồn nước thay đổi. Bên cạnh đó, người dân nên chọn những đối tượng có khả năng chống chịu và thích ứng với mưa lũ./.