Ngư dân gặp khó với nghề nuôi cá lồng bè trên biển

Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, năm nay có lẽ là năm khó khăn nhất đối với người nuôi cá lồng bè tại huyện Kiên Hải (Kiên Giang). Hàng trăm tấn cá đến ngày xuất bán vẫn không tiêu thụ được, giờ thêm cảnh cá tự dưng chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
1-156-scaled-1637237332.jpg
Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Du, huyện Kiên Hải cho biết, do tình hình dịch COVID-19, hơn một tháng trước mặc dù giá cá giảm sâu từ 15-30% nhưng vẫn không tìm được đầu ra. Có hộ hàng ngày bỏ ra hàng triệu đồng để mua thức ăn cho cá và khi bán ra, cá loại 1 sẽ trở thành cá loại 2, loại 3 do trọng lượng cá vượt quá ngưỡng thị trường cần.

Trung bình mỗi lồng nuôi cá có diện tích khoảng 50 m3 sẽ tốn gần 80 triệu đồng đầu tư ban đầu cho từ 9-10 tháng thả nuôi. Trong điều kiện thuận lợi, sản lượng đạt từ 500 kg đến 520 kg, nếu giá bán được 180.000 đồng/kg thì người nuôi cá lãi 10 triệu đồng/lồng. Tuy nhiên, trong đợt dịch việc thu mua bị đứt gãy nên hầu hết các bè nuôi đều kéo dài thời gian hơn so với dự tính, nên khi đến khi tiêu thụ được thì nông dân không có lãi.

Ông Đặng Tùng Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiên Hải cho biết, toàn huyện hiện có hơn 200 hộ nuôi cá, khoảng 1.120 lồng. Nhiều năm liền, nghề nuôi trồng thủy sản đã giúp tăng thu nhập cho hộ gia đình, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Đồng thời, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị của huyện. Tuy nhiên, hai tháng gần đây do tình hình dịch COVID-19, nên cá đến lứa không xuất bán được nhiều hộ dân lâm vào tình trạng lao đao. Khi trở lại trạng thái bình thường mới thì cá nuôi quá lứa bán ra giá thấp nên người dân không có lãi.

Hiện nay, trong khi người dân trên địa bàn huyện Kiên Hải nuôi cá lồng bè đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho một lứa cá bội thu để bù đắp lại lần nuôi trước, thì mấy ngày nay bất ngờ khi cá chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Du cho biết, trong ngày 10/11, trên địa bàn xã Nam Du xảy ra vụ việc cá nuôi của các dân bị chết đột ngột. Qua trao đổi, làm việc, các hộ nuôi cá thông tin rất có thể do ảnh hưởng của nguồn nước, vì hiện tại nước biển đổ rất nhanh. Cá chết có các biểu hiện như: cá bóp thì bị mù mắt, mang cá bị tổn thương; cá mú sao bị sưng mình, cứng mình và chết. Bước đầu ghi nhận thiệt hại của 10 hộ nuôi của Hợp tác xã Thanh Hoa tới thời điểm ngày 16/11 là 13,8 tấn cá các loại, trong đó cá bóp 9,1 tấn, cá mú sao 4,7 tấn, giá trị khoảng 2,1 tỷ đồng.

Ngay sau khi nhận được thông tin cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân, trong ngày 16/11, Chi cục Thủy sản tỉnh kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện ra xã đảo Nam Du để nắm tình hình, kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân cá chết để có hướng xử lý, đồng thời có biện pháp hỗ trợ, giúp bà con khắc phục khó khăn.

Theo nhiều hộ nuôi cá lồng bè trên biển Kiên Hải, việc nuôi cá bị chết là thường xuyên, nhưng số lượng ít không đáng kể. Thế nhưng lần này, cá chết rất nhiều, đặc biệt loại cá bống mú sao.

Những năm trước đây, người nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cũng bị thiệt hại, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước ngọt từ các con kênh rạch đỗ ra. Khi phát hiện, người nuôi chỉ việc di dời lồng bè cá đến nơi xa không ảnh hưởng nguồn nước ngọt là an toàn. Thiệt hại do nguồn nước ngọt chủ yếu các xã đảo gần với đất liền, như Hòn Tre (Kiên Hải); Hòn Heo và Hòn Ngang (xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương).

Tháng 7/2020, hai địa phương này do nguồn nước ngọt từ các cửa sông đổ ra biển, môi trường nước bị thay đổi đột ngột làm cho cá bị chết 542 tấn cá; trong đó, riêng địa bàn xã Sơn Hải là 500 tấn, còn xã Hòn Tre 42 tấn./.