Đắk Nông:

Nắm chắc lợi thế xây dựng Đô thị xanh gắn với phát triển bền vững

Bên cạnh những thuận lợi, việc theo đuổi mục tiêu xây dựng đô thị xanh ở Đắk Nông cũng gặp nhiều thách thức lớn, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền và sự tin tưởng, ủng hộ từ người dân.
dak-nong-kien-dinh-muc-tieu-phat-trien-do-thi-xanh-du-gap-nhieu-kho-khan-va-thu-thach-1714552534.jpg
Đắk Nông kiên định mục tiêu phát triển đô thị xanh dù gặp nhiều khó khăn và thử thách

Lợi thế tự nhiên đi cùng tầm nhìn dài hạn

Từ một tỉnh chưa có đô thị loại IV, sau 20 năm tái lập, Đắk Nông đã xây dựng thành công 9 đô thị. Trong đó, có 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hóa Đắk Nông năm 2010 là 14,95%, đến năm 2022 tăng lên 28%. Hạ tầng thiết yếu của phần lớn các đô thị đều được tăng cường và bộ mặt các đô thị được chỉnh trang sạch đẹp, bài bản.

Các đô thị của Đắk Nông sở hữu những đặc điểm nổi bật là còn nhiều không gian xanh và chất lượng môi trường tốt. Đặc biệt, so với nhiều đô thị trong cả nước thì Đắk Nông có sự hài hoà về hệ sinh thái nhân tạo (còn gọi là hệ sinh thái đô thị) cũng như hệ sinh thái tự nhiên. Các đô thị Đắk Nông đang được đánh giá tạo ra môi trường sống tốt, đảm bảo sức khỏe và tiện nghi cho người dân.

Lợi thế của Đắk Nông là có được một tầm nhìn quy hoạch bài bản ngay từ đầu. Chiến lược phát triển dài hạn của tỉnh dựa trên nền tảng kết cấu hạ tầng và kiến trúc thượng tầng truyền thống trước đó. Điều này đã tạo được tính đồng bộ, nhất quán ngay từ đầu và giảm được nguồn lực cho những sự thay đổi, điều chỉnh không cần thiết.

tinh-dak-nong-tap-trung-dau-tu-xay-dung-do-thi-xanh-theo-huong-thong-minh-va-hai-hoa-voi-moi-truong-1714552500.jpg
Tỉnh Đắk Nông tập trung đầu tư xây dựng đô thị xanh theo hướng thông minh và hài hòa với môi trường

Sự hạn chế về nguồn lực và khả năng triển khai quy hoạch là những “bước cản” ban đầu của Đắk Nông trong quá trình phát triển đô thị xanh. Tuy nhiên, tỉnh đã nhận diện những bất cập này. Điều đó gián tiếp giúp cho Đắk Nông tránh khỏi “vết xe đổ” của sự nóng vội để rồi phát triển đô thị theo kiểu manh mún, thiếu đồng bộ và nhất quán như tình trạng nhiều đô thị khác đã gặp phải.

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tìnhđưa ra mục tiêu xây dựng hệ thống đô thị Đắk Nông gồm 4 đô thị cấp tỉnh là Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk R’Lấp (nâng cấp lên thị xã Đắk R’lấp) và đô thị EaT’Ling (nâng cấp lên thị xã Cư Jút). Đồng thời, từng bước xây dựng các tiêu chí để đạt đô thị loại III.

dinh-huong-quy-hoach-do-thi-xanh-la-nen-tang-de-dak-nong-phat-trien-ben-vung-va-nang-cao-chat-luong-doi-song-nguoi-dan-1714552682.jpg
Định hướng quy hoạch đô thị xanh là nền tảng để Đắk Nông phát triển bền vững và nâng cao chất lượng đời sống người dân

Giai đoạn hiện tại, Đắk Nông tập trung xây dựng 3 đô thị chuyên ngành (đô thị loại V) gồm: đô thị Nam Dong, đô thị Đắk R’la và đô thị Quảng Sơn. Trên cơ sở này, tỉnh xác định 3 vùng động lực trung tâm, hình thành từ chuỗi đô thị Đắk R'lấp - Gia Nghĩa - Quảng Khê. Trong đó, TP. Gia Nghĩa sẽ là đô thị hạt nhân trung tâm.

Gia Nghĩa - hình ảnh biểu tượng của một đô thị hạt nhân

Ngay từ ngày tái lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004), Gia Nghĩa được lựa chọn làm trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả vùng. Trong chiến lược xây dựng đô thị, Gia Nghĩa được đánh giá và ủng hộ bởi nơi này có nhiều lợi thế để phát triển theo hướng thông minh, thân thiện với môi trường trở thành đô thị xanh hiện đại và văn minh.

TP. Gia Nghĩa là nơi chuyển tiếp giữa vùng Tây Nguyên tới vùng Đông Nam Bộ. Đây là 2 vùng phát triển năng động nhất cả nước. Đồng thời kết nối với vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ - một hướng mở ra cảng biển để vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn. Gia Nghĩa được xem là một hạt nhân bổ trợ chức năng kết nối các hoạt động theo hành lang Đông Tây và tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng, liên kết các khu vực phát triển lại với nhau và thúc đẩy tất cả đi lên.

tp-gia-nghia-dang-huong-den-muc-tieu-phat-trien-thanh-do-thi-loai-ii-vao-nam-2025-1714552599.jpg
TP. Gia Nghĩa đang hướng đến mục tiêu phát triển thành đô thị loại II vào năm 2025

Gia Nghĩa có nhiều lợi thế về mặt tự nhiên với diện tích cây xanh và diện tích mặt nước chiếm gần 40% diện tích đô thị. Nơi đây còn với các làng nghề truyền thống được bảo tồn khá nguyên vẹn. Cùng với việc tốc độ độ thị hóa chưa cao, TP. Gia Nghĩa đang được xem là “lựa chọn vàng” để xây dựng một đô thị xanh trên vùng cao nguyên.

TP. Gia Nghĩa cũng là đô thị cuối cùng của Việt Nam được nâng cấp lên thành phố thuộc tỉnh. Là một đô thị còn tương đối trẻ, Gia Nghĩa đang sở hữu cơ bản các điều kiện cần thiết trong xây dựng đô thị xanh. Trong đó, quy hoạch và quản lý quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị xanh ngay từ đầu là 2 yếu tố mà Gia Nghĩa phải nỗ lực gìn giữ.

quy-hoach-ha-tang-co-so-tp-gia-nghia-ngay-cang-khang-trang-chat-che-va-theo-dinh-huong-phat-trien-do-thi-xanh-1714552656.jpg
Quy hoạch hạ tầng cơ sở TP. Gia Nghĩa ngày càng khang trang, chặt chẽ và theo định hướng phát triển đô thị xanh.

Quy hoạch đô thị của TP. Gia Nghĩa có được lợi thế đi sau các tỉnh nên đúc rút bài học kinh nghiệm quý báu trong việc quy hoạch và quản lý quy hoạch từ các địa phương trước đó. Tỉnh đã khai thác triệt để tiềm năng này, biến nó thành lợi thế phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của địa phương.

Trong tương lai, với vị trí địa lý thuận lợi, Đắk Nông nói chung và TP. Gia Nghĩa nói riêng hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một cực phát triển, liên kết và hợp tác với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên hải miền Trung. Song song đó, mở rộng về phía đông bắc để phát triển hợp tác liên vùng và Quốc tế với Campuchia./.

Kiến Giang