Đắk Lắk triển khai kế hoạch quản lý giám sát, phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng

Ngày 26/11, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị "Triển khai kế hoạch quản lý, giám sát mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh" nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trọng việc phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Nghị định thư quy định về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết giữa Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sau gần 4 năm nỗ lực chuẩn bị là một trong những lợi thể rất lớn để sản phẩm sầu riêng của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, là cơ hội để nâng cao hiệu quả, nâng tầm giá trị sầu riêng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Được biết, đến nay Đăk Lăk đã trồng được hơn 15.200 ha sầu riêng, tăng 13.000 ha so 2015. Sản lượng năm 2022 đạt hơn 150.000 tấn và dự kiến sẽ lên tới 300.000 tấn vào 2025. Về xuất khẩu, năm 2022 là năm đầu tiên sầu riêng Đăk Lăk cũng như cả nước, được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ 99% sản lượng sầu riêng trên thế giới. Trong tổng số 53 vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch, Đăk Lăk có 23 vùng, tổng diện tích 1.450 ha.

antd-xuat-khau-sau-rieng-3508-1666788056.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Thời gian qua, các DN xuất khẩu rất tích cực trong việc chuẩn bị vùng nguyên liệu, đứng ra làm đại diện xin cấp mã số cho nhiều vùng trồng sầu riêng. Tuy nhiên, do chưa ràng buộc chặt chẽ quyền lợi và trách nhiệm nên đã phát sinh việc nông dân tố DN gian dối.

Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Đăk Lăk cho rằng, các DN cần phải cẩn trọng hơn trong thủ tục ủy quyền làm đại diện mã vùng trồng và trong cam kết tiêu thụ sản phẩm, để tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra. “DN phải được nông dân đồng ý, ủy quyền làm đại diện và phải có văn bản ký tá đàng hoàng. Nếu chỉ là giấy cam kết thu mua sản phẩm, là cam kết với bà con nông dân, không phải cam kết với Cục bảo vệ thực vật, nhưng cam kết đó cũng phải được gửi cho Chi Cục bảo vệ thực vật biết”, ông Thành lưu ý.

Ngoài 23 mã số vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói đã được cấp và được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch, Đăk Lăk có 15 mã số vùng trồng đang chờ duyệt, 35 mã đang thiết lập, tổng diện tích hơn 2.000 ha.

UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra giám sát, phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng. Theo kế hoạch mới ban hành, 6 Sở, ngành ở tỉnh, các hiệp hội và tổ chức hội, UBND cấp huyện, đại diện các vùng trồng và cơ sở đóng gói, đã được phân công 16 nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với chức năng của mình để xây dựng các vùng trồng sầu riêng bền vững, cấp mã số vùng trồng và giám sát chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sầu riêng trong những niên vụ tới.
Thi Nguyên (t/h)