Sáng ngày 19/9, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, 2 container sầu riêng của Việt Nam đã chính thức hoàn tất thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để có được những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị sẵn sàng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được yêu cầu về kiểm soát sinh vật gây hại, an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.
Sau quá trình chuẩn bị, bước đầu tỉnh Đắk Lắk đã được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt 4 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh); đã thành lập mới 17 hợp tác xã sản xuất sầu riêng, nâng tổng số hợp tác xã của tỉnh lên 415 hợp tác xã, đây là điều kiện quan trọng để xuất khẩu chính ngạch sầu riêng quả tươi vào Trung Quốc ngay từ vụ sầu riêng năm 2022 của tỉnh.
Xuất khẩu chính ngạch trái sầu riêng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.
Mặc dù giá xuất khẩu không được tiết lộ, nhưng theo các doanh nghiệp, giá bán lô hàng này tại thị trường Trung Quốc sẽ khá tốt. Ngay tại vườn thì giá bán đang tăng mạnh lên 50.000-70.000 đồng/kg, sau thông tin sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mặc dù đây là tin vui, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi mỗi nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực mà phía thị trường đối tác đặt ra. Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phải thành lập được hiệp hội ngành hàng sầu riêng để tiến tới xây dựng chiến lược xuất khẩu có tầm nhìn dài hạn không chỉ cho thị trường Trung Quốc mà còn nhiều thị trường khác.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 15.000 ha sầu riêng, là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 cả nước sau tỉnh Tiền Giang. Ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170.000 tấn và ước sản lượng đến năm 2025 là trên 300.000 tấn.
Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã công bố 51 vùng trồng, 25 cơ sở đóng gói ở Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương với 3000 ha sầu riêng.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, trong 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mới chỉ có 3 loại trái cây ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm: măng cụt, chanh leo, sầu riêng. 8 loại trái cây có giá trị xuất khẩu lớn gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm đến nay vẫn chưa ký Nghị định thư.