Sở hữu biểu tượng du thuyền “xanh" triệu đô
Những ngày gần đây, ngành du lịch Việt xôn xao về sự ra mắt của cặp du thuyền Essence Grand do Tập đoàn Việt Thuận - một trong những đơn vị vận tải đường biển lớn nhất Việt Nam, đầu tư.
Cặp siêu du thuyền 6 sao lớn nhất Việt Nam được ví như một cặp song sinh vì có thiết kế giống nhau hoàn toàn. Sau gần 2 năm khởi công, sắp tới du thuyền đầu tiên Essence Grand 1 sẽ được đưa vào khai thác trong tháng 10. Dự kiến, chỉ trong vài tháng tiếp theo, chiếc du thuyền “song sinh” với Essence Grand 1 cũng sẽ được bàn giao.
Trong khi tàu du lịch có vốn đầu tư lớn nhất trên vịnh Hạ Long trước nay chỉ khoảng 100 tỉ đồng thì cặp tàu “song sinh” của ông Trịnh Trung Úy đã có tổng vốn đầu tư lên đến 35 triệu USD (tương đương hơn 850 tỷ đồng), bề thế và quy mô nhất tại Vịnh Hạ Long. Ban đầu, vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD. Sau quá trình điều chỉnh đã phát sinh thêm 5 triệu USD.
Với diện tích sàn hơn 2.000 m2 tương đương chiều dài 110 m, chiều ngang 20 m, mỗi chiếc du thuyền có 5 tầng chia thành 55 phòng. Với diện tích khủng như vậy, ước tính mỗi du thuyền có thể phục vụ được khoảng 160 khách lưu trú qua đêm và 320 khách tham quan, cùng 70 nhân viên phục vụ.
Được xem là cặp du thuyền 6 sao hiện đại nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, Essence Grand 1 có đầy đủ các dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, dành cho nhiều đối tượng khách hàng. Du thuyền được thiết kế với đa tiện ích cao cấp như: nhà hàng đa năng, quầy bar, phòng tập gym, spa, bể bơi, khu vực chơi golf giả lập, và nhiều hoạt động giải trí...
Trong điều kiện thời tiết bình thường, hai con tàu này có thể chạy dọc từ Bắc vào Nam trong phạm vi 12 hải lý tính từ đất liền. Chia sẻ với báo chí, ông Trịnh Trung Úy - Chủ tịch Tập đoàn Việt Thuận cho biết: “Cặp siêu tàu được đóng theo tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế nhưng đặc biệt là do 100% người Việt thiết kế, sản xuất, vận hành và khai thác. Đây cũng là khát vọng của của chúng tôi khi mong muốn Việt Nam có những sản phẩm của người Việt mang đẳng cấp quốc tế, sánh vai với các thương hiệu tàu biển du lịch quốc tế”.
Hướng đến trải nghiệm nghỉ dưỡng thượng lưu xanh trên Vịnh Hạ Long, cặp tàu triệu đô này hoạt động với mô hình du lịch biển sinh thái. Đây cũng là sự đánh dấu biểu tượng du thuyền “xanh” đầu tiên trên bản đồ Việt Nam.
Cũng theo đại gia Trịnh Trung Úy, ông dự định đóng tiếp siêu du thuyền thứ 3 vào năm 2024 với tổng đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng. Dự kiến, siêu tàu tiếp theo này vượt xa 2 siêu tàu hiện tại khi có thể đủ khả năng đi khắp thế giới. Dự định này của ông Trung Úy có thể được hoàn thành vào năm 2026. Với sự phát triển hiện tại, nhiều người dự toán doanh nghiệp của ông Trịnh Trung Úy sẽ là một trong những “ông lớn” của không chỉ du lịch Hạ Long mà còn là ngành du lịch cả nước.
Chân dung vị đại gia đất mỏ Quảng Ninh
Sự trở lại của Việt Thuận Group sau gần 1 năm lặng tiếng đã khiến thị trường du lịch Việt tò mò về danh tính người đứng đầu. Sau khi đón nhận lần trượt thầu đầu tiên trong suốt lịch sử hoạt động, Việt Thuận gần như “ẩn danh” trên thị trường du lịch. Nhưng với tài lãnh đạo tài tình, ông Trịnh Trung Úy đã đưa công ty trở lại bằng một tiếng vang lớn với du thuyền “xanh” triệu đô.
Xuất thân là một doanh nhân trong lĩnh vực vận tải thủy, ông Úy chuyên cung cấp dịch vụ vận tải hàng rời, đặc biệt là than cho các nhà máy nhiệt điện trên cả nước.
Được thành lập năm 2005, Tập đoàn Việt Thuận (trước đó là Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận) có 6 công ty thành viên cùng gần 100 đầu phương tiện vận tải thủy, tổng trọng tải xấp xỉ 1 triệu tấn. Ông Trịnh Trung Úy là người giữ vị trí Chủ tịch Việt Thuận Group kể từ ngày 18/1/2019 đến nay.
Hiện nay, Việt Thuận Group là một trong số ít đơn vị đầu tư xây dựng tàu biển chuyên sử dụng dịch vụ vận chuyển cho các nhà máy nhiệt điện trên cả nước. Các đối tác chính của Việt Thuận bao gồm Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Người đàn ông 52 tuổi kín tiếng và lịch lãm này còn nắm giữ 69,5% CTCP Vận tải thủy - Vinacomin từ năm 2019 đến nay với chức danh Chủ tich Hội đồng quản trị.
CTCP Vận tải thủy - Vinacomin đang niêm yết trên sàn Upcom với mã chứng khoán WTC có mức giá 12.900 đồng/cổ phiếu. Trong đó, ông Trịnh Trung Úy gián tiếp sở hữu 69,5% vốn điều lệ WTC thông qua Việt Thuận.
Theo công bố của Việt Thuận, chỉ trong 6 tháng đầu năm doanh nghiệp đã đạt doanh thu trên 3.500 tỷ đồng trong khi kế hoạch doanh thu ban đầu cho năm 2023 chỉ khoảng 1.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ hoạt động vận tải chiếm 71,4% (2.500 tỷ); doanh thu từ hoạt động chế biến kinh doanh than đạt 28,6% (gần 1000 tỷ); tổng lợi nhuận trước thuế trên 35 tỷ đồng.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Trịnh Trung Úy và Việt Thuận đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng từ đội tàu sở hữu, lợi nhuận trước thuế ước trên 90 tỷ đồng.
Không chỉ có tiếng trong giới doanh nhân, ông Trịnh Trung Úy còn nổi tiếng là người hết lòng vì cộng đồng. Ông đã cùng Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận ủng hộ lô hàng trị giá gần 1 tỉ đồng (20.000 khẩu trang y tế & 2.000 dung dịch nano sát khuẩn nhập khẩu) cho Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vào năm 2020.
“Việt Thuận sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam cũng như Thành phố Uông Bí, chung sức đồng lòng vì những dự án cộng đồng, giúp đỡ bà con nhân dân” - đại gia Trịnh Trung Úy khẳng định.