Đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ nghèo đói cùng cực ở Mỹ Latinh tăng mạnh

Ngày 27/1, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực tại khu vực Mỹ Latinh tăng lên 86 triệu người trong năm 2021, tương đương 13,8% dân số toàn khu vực.

Theo báo cáo "Toàn cảnh xã hội Mỹ Latinh 2021" của CEPAL, số người sống trong tình trạng bần cùng trong khu vực này đã tăng 5 triệu người so với năm 2020. Tuy nhiên, số người nghèo trong khu vực đã giảm 3 triệu người so với năm 2020, xuống còn 201 triệu người trong năm ngoái, chiếm tỷ lệ 32,1%.

Thư ký điều hành CEPAL Alicia Bárcena nhấn mạnh, quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 tại Mỹ Latinh là chưa đủ để giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên thị trường lao động tại các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, Mỹ Latinh chỉ chiếm 8,4% dân số thế giới nhưng ghi nhận tới 28,8% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu. Nguyên nhân một phần do nhiều nước thiếu hụt kinh phí cấp cho hệ thống y tế, nguồn nhân lực, công nghệ cũng như cơ sở hạ tầng.

080203-covid-19-argentina-xu-phat-gan-70-000-nguoi-vi-pham-lenh-cach-ly-bat-buoc-1643331512.jpeg
Đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ nghèo đói cùng cực ở Mỹ Latinh tăng mạnh. Ảnh minh hoạ

CEPAL cũng nêu bật vai trò của vaccine trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận các loại vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ Latinh.

Bà Bárcena khẳng định, Mỹ Latinh sẽ không thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và xã hội nếu các quốc gia trong khu vực không kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả.

Cơ quan này cho biết, tính đến hết tháng 12/2021, chỉ có 59,4% dân số Mỹ Latinh, tương đương 389,4 triệu người, đã hoàn thành phác đồ tiêm vaccine. Trong đó Chile (Chi-lê), Cuba, Uruguay (U-ru-goay), Argentina (Ác-hen-ti-na) và Ecuador (Ê-cu-a-đo) đã tiêm ít nhất hai liều vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số. Tuy nhiên, hơn một nửa tổng số các quốc gia Mỹ Latinh không đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho 50% dân số.

CEPAL nhấn mạnh cần phải tăng cường các chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19, trong đó tập trung vào việc hệ thống y tế của các quốc gia có thể phân phối hiệu quả vaccine cho người dân trong thời gian ngắn./.