Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn là một nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, là nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là dịp để đồng bào phật tử nói riêng và Nhân dân nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn đã được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, Lễ hội này được UBND thành phố Đà Nẵng chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố.
Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 08/03/2023 đến ngày 10/03/2023 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng.
Các hoạt động chính tại lễ hội gồm lễ khai mạc diễn ra lúc 19 giờ ngày 8/3. Trong đó có công bố, trao kỷ lục Việt Nam cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên tường 4 tháp Chùa Quán Thế Âm; Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (lễ chính thức) diễn ra vào lúc 7 giờ sáng 10/3 (tức 19-2 Âm lịch).
Bên cạnh đó, Lễ hội Quán Thế Âm còn có Hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước và 5 gian hàng trưng bày, biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước; Biểu diễn thả diều nghệ thuật, trình diễn khinh khí cầu; diễu hành xe hoa chào mừng lễ hội; Khai trương thư viện Vạn Hạnh - là thư viện với hơn 30.000 ấn phẩm liên quan đến phật giáo, văn hóa…
Ngoài ra, các hoạt động văn hóa đặc sắc như biểu diễn nghệ thuật Nhật Bản, hô hát Bài Chòi, triển lãm ảnh về danh thắng Ngũ Hành Sơn và Ma nhai Ngũ Hành Sơn, trình diễn nghệ thuật nấu ăn món chay, hội đua thuyền truyền thống, hội cờ làng, kéo co…của các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện, cũng được tổ chức tại lễ hội năm nay.
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là nguồn sử liệu quý giá cung cấp các thông tin đặc biệt như: Mối quan hệ giao lưu, tiếp xúc văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam với các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản từ thế kỷ XVII; Lịch sử về giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của thương cảng Hội An và giao lưu hàng hải khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Từ các Ma nhai tại đây cũng cho biết diện mạo, vẻ đẹp nguyên thủy của danh thắng Ngũ Hành Sơn - một vùng thắng tích được mệnh danh là “Nam châu đệ nhất danh thắng”. Các Ma nhai cũng góp phần làm sáng rõ thêm về quan điểm sống, nhân sinh quan của các nhân vật có ảnh hưởng trong lịch sử Việt Nam như: Trương Quang Đản, Cao Xuân Dục, Bùi Văn Dị, Đào Tấn, Nguyễn Trọng Hợp...
Theo Ban tổ chức buổi họp báo, để tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, văn học, thư pháp, nghệ thuật của Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn, ngày 02/02/2023, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch số 21/KH-UBND về tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Ngũ Hành Sơn thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu này; xem đây là sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn xứng tầm với vị thế của một di sản tư liệu thế giới; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử nói chung và của Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng.