Cùng nhau chuyển đổi nông nghiệp xanh, sạch, bền vững

Thực tế cho thấy, sản xuất thân thiện với môi trường rất có ích, không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Đến nay, HTX Nông nghiệp Tiền Lệ thôn Tiền Lệ, xã Tiên Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) có hơn 500 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 33ha. Thương hiệu, chất lượng, uy tín của rau an toàn Tiền Lệ đã được cấp nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và được 10 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu với sản lượng đạt xấp xỉ 50% trên tổng sản lượng của toàn HTX.

Để sản phẩm có thị trường ổn định, HTX ký hợp đồng cung ứng rau cho chuỗi siêu thị Vinmart, Big C (Hà Nội) và các cửa hàng rau sạch. Trung bình một ngày, HTX thu hoạch và tiêu thụ khoảng 15 – 20 tấn rau với giá bán từ từ 10-15 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động thường xuyên tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nhân trong toàn xã.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết, hiện nay các hộ dân tham gia mô hình PGS liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đều ký cam kết nếu test rau đến kỳ được thu hoạch mà có dư lượng vượt ngưỡng sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay việc lấy mẫu rau để test được cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp lấy thường xuyên, ngẫu nhiên hàng tuần, hàng tháng những chưa có hộ nào vi phạm.

Còn trên địa bàn xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có tổng diện tích bưởi khoảng 150 – 200ha, trong đó có 1ha trồng hữu cơ, giá trị đạt hơn 40 tỷ đồng/năm.

a15-1653033845.jpg
Mô hình trồng rau sạch của HTX Cuối Qúy, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội.

Có thể kể đến vườn bưởi của gia đình chị Đặng Thị Việt, thôn Bãi Đồn, xã Vân Hà trồng được hơn 10 năm tuổi đang chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ sinh học từ lúc nhỏ. Nhờ kiên trì theo đuổi quy trình sản xuất an toàn và hướng đến chuẩn hữu cơ nên vườn bưởi của chị phát triển xanh tốt, chất lượng, an toàn nên được thương lái, khách hàng đánh giá cao.

Theo chị Việt, hơn 10 năm trồng bưởi công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ là hướng đi đúng đắn mà chị cùng hàng trăm bà con nông dân ở Vân Hà lựa chọn và bảo vệ sức khỏe cho chính mình, mang lại thu nhập cao hơn gấp 2 - 3 lần so với làm nông nghiệp vô cơ. Ngoài ra, sản phẩm tung ra thị trường đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Hà Nội xác định, thời gian tới sẽ đầu tư chuyên sâu cho các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu...

Cụ thể, với cây ăn quả sẽ tập trung vào các vùng chuyên canh theo nhóm cây trồng chủ lực (bưởi, chuối, nhãn…) quy mô hơn 20.000ha; rau màu hơn 5.000ha; hoa, cây cảnh hơn 9.000ha…, qua đó, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường...

"Hiện thành phố đã có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so với phương thức sản xuất truyền thống; đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường", Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết.

Để hướng tới nền nông nghiệp bền vững, Bộ NN&PTNT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phát triển nông nghiệp xanh giai đoạn 2018-2030 với mục tiêu: Xây dựng một hệ thống công nghệ hiệu quả, an toàn, giảm phát thải, tuần hoàn, thông minh và tích hợp để phát triển nông nghiệp xanh, thúc đẩy đổi mới khoa học - công nghệ.

mceclip0761-1653033867.jpg
Mô hình dưa chuột trồng theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội.

Việc này không chỉ hạn chế tình trạng mất an toàn thực phẩm mà còn nâng cao giá trị cũng như vị thế mặt hàng nông sản Việt Nam, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và đưa Việt Nam vào tốp 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ đang xây dựng các chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện môi trường, tập trung vào 2 ngành có lượng thải các bon lớn là chăn nuôi và trồng lúa. Việt Nam sẽ phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thông qua áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào trong sản xuất; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, không ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người...