Thừa Thiên - Huế là một tỉnh thuộc Trung Trung bộ, toàn tỉnh hiện có diện tích đất rừng là 304.081 hecta đất có rừng (theo công bố năm 2021). Mấy năm trở lại đây, diện tích rừng của tỉnh ngày càng giảm do quá trình khai thác sử dụng không hợp lý, cũng như ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu. Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang có nhiều biện pháp để phòng ngừa, khôi phục rừng thông qua việc trồng mới, trồng bổ sung diện tích rừng theo hướng bền vững.
Theo đó, để hưởng ứng lời kêu gọi trồng 1 tỉ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, mới đây Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (CPV) đã thực hiện dự án trồng cây với tên gọi “C.P. Việt Nam – Hành trình vì một Việt Nam xanh 2021 - 2025”. Mục tiêu của dự án là trồng 1 triệu cây xanh trên đất nước Việt Nam, tại các tỉnh thành mà Công ty có hoạt động sản xuất kinh doanh và một số tỉnh thành mà rừng bị tàn phá bởi thiên tai.
Trong quá trình tìm hiểu về thực hiện dự án trên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua kết nối với Sở NN-PTNT của tỉnh, Công ty thấy được nhu cầu của tỉnh trong việc phối hợp trồng rừng tại huyện Phong Điền, là huyện mà công ty có hoạt động kinh doanh của Nhà máy chế biến thủy sản, và một số trang trại nuôi tôm tại địa phương.
Qua khảo sát một số khu rừng, tìm hiểu và thỏa thuận, Công ty C.P. Việt Nam đã quyết định phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, và Ban Quản Lý rừng phòng hộ Sông Bồ tiến hành trồng và chăm sóc rừng phòng hộ theo hướng bền vững tại Khoảnh 4, Tiểu khu 67, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, trên diện tích 30 hecta tương ứng với 25.000 cây rừng thuộc các loại Huỷnh, Gáo Vàng và Re Gừng là những loại cây gỗ lâu năm có tính bảo vệ rừng, giữ đất chống xói lở, ngăn lũ.
Được biết, ngày 1/11, Công ty CP. Việt Nam phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Quản Lý rừng phòng hộ Sông Bồ đã khởi động hoạt động trồng rừng tại khu vực trên. Theo ghi nhận, hơn 2000 cây xanh đã được trồng và dự kiến dự án trồng rừng sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022 tới đây với thời gian chăm sóc là 6 năm 2022-2027.
Việc thực hiện dự án trồng rừng theo hướng bền vững của CPV không chỉ góp phần giảm thiểu khí nhà kính, bảo vệ môi trường mà còn có tính tác động xã hội thông qua việc tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương trong quá trình trồng và chăm sóc rừng.