Công tác bảo vệ môi trường ở nhiều địa phương đang chuyển biến tích cực

Từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền và người dân. Đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường đang từng bước được nâng cao.

Theo kết quả từ Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố cho thấy, công tác bảo vệ môi trường ở tất cả các địa phương trên cả nước đang có chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường đã từng bước được nâng cao.

Cụ thể, tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều kết quả tích cực.

a1-1676262690.jpg
Công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương trên cả nước đang có chuyển biến tích cực. (Ảnh: BĐSVN)

Theo ghi nhận, đứng đầu danh sách 63 tỉnh, thành cả nước về thực hiện Bộ chỉ số PEPI năm 2021 là TP. Đà Nẵng với tổng điểm 79.82 điểm. Tiếp đến là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với 78.79 điểm, sau đó là tỉnh Trà Vinh với 77.52 điểm. Đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số PEPI 2021 là tỉnh Đắk Nông với số điểm 51,3.

Các tỉnh nằm trong top cuối bảng xếp hạng là Kiên Giang (55,88 điểm), Phú Yên (54,64 điểm), Bình Phước (54,86 điểm) và Bình Thuận (55,14 điểm).

TP. Đà Nẵng là địa phương có một số mô hình hiệu quả trong việc huy động sức mạnh cộng đồng, đơn cử mô hình phân loại rác tại nguồn. Nhiều cơ quan nhà nước từ cấp thành phố đến cơ sở cùng nhiều doanh nghiệp tham gia hạn chế rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, như sớm thay thế chai nhựa tại hội nghị, phiên họp bằng chai thủy tinh. Tiểu thương một số chợ cũng hưởng ứng giảm thiểu túi nylon bằng túi giấy, giỏ đi chợ.

Được biết, Quảng Ninh cũng đã hoàn thành xây dựng, lồng ghép các phương án bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh cũng đang triển khai quyết liệt lộ trình đóng cửa mỏ, giảm dần và tiến đến chấm dứt khai thác than lộ thiên, giảm tối đa tổn thất tài nguyên, bảo đảm phát triển bền vững, cùng song hành giữa ngành than và ngành du lịch. Cùng với đó, tỉnh còn chú trọng công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; thực hiện xanh hóa môi trường khu vực khai khoáng, thiết lập các vành đai cây xanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than... đến cuộc sống của người dân và môi trường.

moi-trg-1676262845.jpg
Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường đang từng bước được nâng cao. (Ảnh: Tuấn Hùng)

Thời gian tới, để tăng cường bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững thì các tỉnh, thành cần tập trung, nghiên cứu một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tiếp tục tăng cường và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại địa bàn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ý thức thực hiện, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề...

Phát động các phong trào bảo vệ môi trường và tích cực tham gia vào hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các đơn vị chức năng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; rà soát các quy định hiện hành để bổ sung, sửa đổi, khắc phục các sơ hở thiếu sót, tồn tại, bất cập trong bảo vệ môi trường. Trong đó, cần tập trung đối với nhóm các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, quản lý hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, chất kích thích sinh trưởng, hóa chất sử dụng trong chăn nuôi.

Ba là, tập trung giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề ở khu vực nông thôn. Tăng cường đầu tư nguồn vốn để đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh tại khu vực nông thôn; đổi mới công nghệ sản xuất, đấu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt nông thôn. Giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tại các điểm tồn lưu ô nhiễm ở khu vực nông thôn. Đặc biệt quá trình đầu tư, xây dựng nông thôn mới cần đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường.

Bốn là, xử lý triệt để chất thải rắn, nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ các hộ chăn nuôi cá thể, các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại khu vực nông thôn bằng mô hình xử lý sinh học kết hợp sử dụng khí sinh học trong sinh hoạt tại các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng hóa chất, chất cấm, chất kích thích sinh trường, kháng sinh trong chăn nuôi thông qua kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm.

Năm là, lực lượng Cảnh sát môi trường cần tập trung làm tốt các mặt công tác trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên tại địa bàn. Trong đó, cần tập trung phòng, chống các hành vi vi phạm phổ biến về quản lý chất thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường, vi phạm các quy định về sử dụng hóa chất, chất cấm, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp nói chung, nhất là tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, trang trại chăn nuôi, cơ sở kinh doanh phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

Nhằm nâng cao kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường cho các năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, có giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số PEPI.

Trong đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ môi trường; phát động các phong trào, hoạt động thiết thực nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường tại cơ quan, đơn vị và nơi cư trú.

Ánh Dương (t/h)