Những chiếc ly giấy uống nước đã qua sử dụng đã được một resort tại Hội An gom lại và kéo dài vòng đời của chúng trong một sứ mệnh khác giúp ích trong việc sử dụng tái tạo. Mỗi ngày, có hàng trăm, hàng ngàn chậu cây xanh mini từ ly giấy dùng 1 lần được tặng lại cho người dân, du khách để lan tỏa thông điệp tái chế rác thải và bảo vệ môi trường.
Chị Huỳnh Thị Thảo ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: "Em và mọi người cùng muốn kéo dài vòng đời của ly giấy và khuyến khích mọi người sau khi sử dụng ly giấy thì đừng vội bỏ đi mà hãy gom lại tại Silk Sense River resort để em có thể cung cấp đất, xơ dừa và hạt giống để có thể trồng cây ở trong ly giấy đó, điều này luôn làm mọi người và du khách thích thú ủng hộ”.
Ngoài triển lãm cây trồng và vẽ tranh trên ly giấy tái chế, những sản phẩm nghệ thuật từ vải vụn, trưng bày nghệ thuật điêu khắc từ củi lũ, đổi rác thải nhựa lấy quà tặng, và nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng đã thu hút đông đảo người dân và du khách tới Festival nghệ thuật sắp đặt vì môi trường biển được tổ chức mới đây tại khu du lịch sinh thái làng chài du lịch cộng đồng Tân Thành, thành phố Hội An.
Chị Đinh Thị Nhân - Chủ tịch Hội LHPN phường Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: "Với thông điệp bảo vệ môi trường, người dân rất nhiệt tình tham gia và đặc biệt hào hứng trong việc cùng nhau gom túi nilon, lon, chai nhựa để hỗ trợ chúng tôi thực hiện chương trình tốt hơn, bên cạnh đó còn vận động nhau thực hiện tốt việc thu gom rác thải nhựa bảo vệ môi trường".
Một du khách Hà Nội đến Hội An vui vẻ chia sẻ thêm: "Với hội chợ về thu gom rác thải nhựa tái chế để bảo vệ môi trường rất hay và ý nghĩa, vì nó có thể quảng bá những sản phẩm thân thiện với môi trường để hướng du khách đến có thể mua sắm, sử dụng những vật dụng như vậy, hoặc đem lại những kiến thức về bảo vệ môi trường cho khách hàng".
Không chỉ có những hoạt động mang tính thời điểm như hội chợ du lịch xanh, hay festival nghệ thuật vì môi trường biển, tiến trình “xanh hóa” cũng đang được cộng đồng làm du lịch tại Quảng Nam thực hiện từ những việc làm nhỏ hàng ngày.
Người dân địa phương giảm tiêu thụ túi nilon và đồ nhựa 1 lần, nhà hàng, khách sạn thay thế chai nước nhựa bằng chai thủy tinh, sử dụng điện năng lượng mặt trời, ủ phân compost từ rác hữu cơ để trồng cây… Quảng Nam đang xây dựng, xúc tiến, quảng bá chuỗi sản phẩm du lịch xanh như một dòng sản phẩm mới mang màu sắc riêng biệt.
Còn ông Phan Xuân Thanh- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: "Chúng ta tìm cơ hội trong giảm thiểu biến đổi khí hậu để tạo ra giá trị kinh doanh và giá trị bền vững. Xu hướng sản phẩm tái chế, xu hướng của việc tiết giảm năng lượng, tiết giảm rác là xu hướng của tương lai. Nếu chúng ta làm gì để thích ứng với điều đó thì chúng ta sẽ đón tiếp được một dòng khách có giá trị đến với Quảng Nam, đến với Hội An".
Việc huy động sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng người dân, doanh nghiệp đang góp phần giúp Quảng Nam hướng tới mục tiêu định vị thương hiệu du lịch xanh của địa phương này ở tầm quốc tế./.