Trong kỳ đánh giá năm 2021, MOBI tiếp tục khảo sát mức độ công khai ngân sách dựa trên các chỉ số về tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu ngân sách bắt buộc phải công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các đơn vị theo Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC.
PGS. TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, chuyên gia chính của Nhóm Nghiên cứu chia sẻ: “Việc công khai ngân sách nhà nước của các bộ ngành vài năm qua chưa thực sự được cải thiện nhất là so với việc công khai ngân sách của các địa phương, chưa thể hiện vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương dưới góc độ về minh bạch ngân sách”.
Kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy, mức độ công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan Trung ương dù có sự cải thiện so với những năm trước đó, nhưng vẫn ở mức thấp đáng quan ngại. Cụ thể, điểm số trung bình MOBI 2021 chỉ đạt 30,9/100 điểm, tăng 9,26 điểm so với MOBI 2020. Trong xếp hạng MOBI 2021, Bộ Tài chính vẫn là đơn vị có thứ hạng cao nhất với 76,16 điểm quy đổi, và là đơn vị duy nhất xếp hạng công khai ở mức đầy đủ. Xếp thứ hai là Đài Truyền hình Việt Nam với 72,09 điểm, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở vị trí thứ ba với 59,09 điểm.
Về tính sẵn có
Kết quả khảo sát cho thấy các Bộ, cơ quan Trung ương công khai chưa đầy đủ các tài liệu ngân sách theo quy định. Có 30 cơ quan, tổ chức trên tổng số 44 cơ quan trong kỳ khảo sát MOBI 2021 công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách (chiếm 68,2%), tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2020. Tại thời điểm 31/3/2022, có 14 Bộ, cơ quan Trung ương ((tương đương với 31,8%) không công khai bất cứ tài liệu ngân sách nào trên cổng thông tin điện tử của đơn vị, bao gồm: Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tòa án Nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Uỷ Ban sông Mê Kông, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn.
Về tính kịp thời
Nhìn chung có sự cải thiện nhẹ nhưng không đáng kể, các Bộ, cơ quan Trung ương chưa công khai kịp thời các tài liệu ngân sách theo quy định. Trong số 23 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2022, chỉ có 7 đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2020. Đối với tài liệu về Quyết toán ngân sách năm 2020, có 12 trên tổng số 20 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định. Các tài liệu còn lại gồm Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2021 chỉ được công khai đúng hạn bởi lần lượt 6, 7 và 7 đơn vị. Không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2021.
Về tính thuận tiện
Có 33 trên tổng số 44 đơn vị có điểm về tính thuận tiện (tương đương với 75%), tăng 1 đơn vị so với khảo sát MOBI 2020. Định dạng của các tài liệu ngân sách được công khai trên cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử của đơn vị chủ yếu dưới dạng pdf hoặc scan ảnh do vậy còn hạn chế cho người dân đọc và sử dụng thông tin ngân sách từ các định dạng tài liệu này. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ và Ủy ban Dân tộc là những đơn vị công khai các tài liệu có định dạng excel, dễ dàng trong việc tiếp cận và sử dụng tài liệu.
Về tính đầy đủ
Kết quả khảo sát MOBI 2021 cho thấy, các tài liệu ngân sách được công khai chưa đầy đủ nội dung tại Thông tư 90/2018/TT-BTC, còn thiếu báo cáo thuyết minh hoặc không đầy đủ nội dung của các bảng biểu. Trong số 30 đơn vị có công khai ít nhất một trong sáu tài liệu ngân sách, Bộ Tài chính, Đài Truyền hình Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là những đơn vị dẫn đầu về tính đầy đủ của các tài liệu ngân sách. Trong đó, Bộ Tài chính đứng đầu với 53,49 điểm quy đổi về tính đầy đủ.
Kết quả khảo sát MOBI2021 cho thấy các Bộ, cơ quan Trung ương cần nỗ lực hơn nữa trong việ việc thực hiện đúng quy định công khai ngân sách theo như Luật NSNN 2015 và hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, đại diện nhóm Nghiên cứu, nhận định: “Việc sau gần một thập niên thực hiện Luật Ngân sách mới, các bộ, cơ quan trung ương vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc công khai ngân sách theo tinh thần của Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và hướng dẫn của các Thông tư 61/2017 và 90/2018 của Bộ Tài chính, là một thực tế đáng lo ngại trong quản trị nhà nước. Như kết quả MOBI 2021 đã chỉ ra, vào thời điểm khảo sát gần nhất (31/3/2022), có tới 14/44 cơ quan trung ương không công khai bất cứ một tài liệu nào theo quy định của pháp luật. Các đơn vị có công khai thì đại đa số mức độ còn sơ sài, không đầy đủ. Mức điểm trung bình của MOBI 2021 chỉ đạt 30,9 tiếp tục gây thất vọng. Thử so sánh với việc công khai ngân sách của địa phương, thì các cơ quan trung ương đã đi sau rất nhiều”.
Ông Nguyễn Quang Thương, đại diện liên minh BTAP chia sẻ: “Điểm trung bình của MOBI2021 là 30.9/100 điểm, trong khi điểm trung bình của chỉ số công khai ngân sách tỉnh POBI2021 là 69.53/100 điểm. Điều này cho thấy các Bộ, cơ quan Trung ương chưa cải thiện mức đô công khai ngân sách, chưa thực hiện đúng các quy định về công khai ngân sách như các tỉnh, thành phố Quốc hội, Chính phủ cần phải thúc đẩy các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện đúng quy định công khai ngân sách như nội dung khuyến nghị của báo cáo MOBI2021”.