Việt Nam dẫn đầu về chuyển đổi năng lượng sạch tại khu vực Đông Nam Á

Trong 4 năm tính đến năm 2021, tỉ trọng điện lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỉ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản.

Mới đây, tạp chí The Economist của Anh có bài viết nhận định, Đông Nam Á là một trong những khu vực trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu, khu vực này dường như chưa quan tâm đến việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một điểm sáng trong khu vực trong việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Bài viết phân tích, trong 4 năm tính đến năm 2021, tỉ trọng điện lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới, mà tỉ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản.

nang-luong-sach-1654561764.jpg
Việt Nam đang "ghi điểm" trong việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch chuyển đổi sang năng lượng sạch

Đến năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới.

Nhấn mạnh cam kết đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021 đã tuyên bố sẽ ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới và giảm lượng khí thải ròng của Việt Nam về mức bằng 0 vào năm 2050.

Các quốc gia Đông Nam Á khác muốn nâng cao cuộc chơi của mình có thể rút ra một vài kinh nghiệm từ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất điện gió và điện mặt trời so với năm 2019.

Bài viết khẳng định "thành tích phi thường" này chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường.

Năm 2017, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu trả cho các nhà cung cấp năng lượng mặt trời với giá cố định lên tới 9,35 cent cho mỗi kilowatt giờ cung cấp cho lưới điện, mức giá này là khá hào phóng vì chi phí cho mỗi kilowatt-giờ thường dao động từ 5 đến 7 cent.

Kết quả là 100.000 tấm pin mặt trời trên mái đã được lắp đặt trong năm 2019 và 2020, nâng công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam lên 16GW. Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã thử áp dụng mức giá bán cho lưới điện, nhưng không đủ hấp dẫn.

Cải cách giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng kinh doanh tại Việt Nam hơn cũng đã giúp ích. Tuy nhiên, theo bài viết, nếu hy vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Theo Công ty tư vấn Dezan Shira, nhu cầu năng lượng ở Việt Nam đã tăng khoảng 10% mỗi năm trong thập niên qua và lượng nhu cầu này đang được đáp ứng phần nhiều bởi điện than. Bài viết cũng khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách của chính phủ cần tăng cường năng lượng gió và mặt trời, đồng thời xem xét mở rộng và nâng cấp lưới điện để bao phủ toàn quốc nhằm đối phó với tính chất không liên tục của nguồn điện do năng lượng tái tạo cung cấp.

Trước đó, trong một báo cáo Điện năng toàn cầu vào tháng 3/2022 do tổ chức Ember công bố vào ngày 30/3, điện gió và điện mặt trời, hai nguồn năng lượng tăng trưởng nhanh nhất, đã đạt kỷ lục 10% năng lượng toàn cầu trong năm 2021. Có 50 quốc gia trên thế giới đạt được mức này, trong đó Việt Nam là một trong 7 quốc gia lần đầu tiên đạt được mức trên trong năm 2021.

Theo Ember, Việt Nam đã cho thấy một trong những quá trình chuyển dịch nhanh chóng nhất từ nhiên liệu hóa thạch sang điện gió và điện mặt trời trong năm 2021 và chạm tới cột mốc 10%, dù trước đó con số chỉ là 3% trong năm 2020.

Sản lượng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam tăng tới 11% trên tổng sản lượng. Điều này cho thấy việc nhanh chóng phát triển năng lượng tái tạo là hoàn toàn khả thi. Không có quốc gia nào khác thành công trong việc tăng tỉ trọng điện gió và điện mặt trời thêm tới 8% chỉ trong năm 2021./