Nhiều dư địa
Đánh giá về lợi thế sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam có lợi thế về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Việt Nam thuộc nhóm 15 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới. Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự báo đạt trên 55 tỷ USD vào năm 2022.
Lợi thế so sánh trong sản xuất nông sản cùng với môi trường vĩ mô ổn định và an toàn, thị trường trong nước quy mô lớn với gần 100 triệu dân, là cửa ngõ cho khu vực Đông Nam Á với 650 triệu dân, Việt Nam đã thu hút được các tập đoàn lớn và có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp EU như: Bayer (Đức); De Heus, Nutreco (Hà Lan); Nestlé (Thụy Sỹ) và Ceva, Virbac (Pháp).
EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như: Cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh các mặt hàng nêu trên, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như: Gạo, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), lý do khiến Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu gạo sang EU là bởi các đối thủ cạnh tranh như: Thái Lan, Trung Quốc chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Nếu Việt Nam khai thác tốt thị trường này, thì riêng sản phẩm gạo tấm có thể xuất khẩu 100.000 tấn vào EU mỗi năm.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhưng chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của EU trong năm 2021.
Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy 8 trong số 12 ngành hàng có nhiều dư địa phát triển tại thị trường EU khi thực thi Hiệp định EVFTA thì thực tế sau 2 năm, từ thủy, hải sản, rau quả/trái cây tươi, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su và gạo đều cho những kết quả tăng trưởng mạnh mẽ cả số lượng và giá trị thu được.
Từ 1/8/2020, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đã phục hồi và gia tăng đáng kể. Một số mặt hàng như: Hạt tiêu tăng 81,3%, cà phê tăng 62,7%, gạo tăng 42,9%, thuỷ - hải sản tăng 22,7%...
Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi theo Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực nông nghiệp năm sau cũng cao hơn năm trước (như thuỷ sản 78,89%, rau quả 65,58%, gạo 100%).
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì ngay lập tức khoảng 50% dòng thuế trong lĩnh vực nông nghiệp được giảm về 0% cũng đã cho thấy sức hấp dẫn và lợi ích đạt được từ thị trường này.
Với mặt hàng thủy sản, theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), các nhóm mặt hàng thuỷ sản chính đều được hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực. Rõ rệt nhất là đến hết quý 2/2022, EU là thị trường nằm trong ba nhóm xuất khẩu thuỷ sản cao nhất của Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, nhưng với các thuế quan ưu đãi của EVFTA đã bộc lộ rõ nét, xuất khẩu thuỷ sản tăng 40%, đạt gần 700 triệu USD, xuất khẩu các dòng thuỷ sản chính kể cả cá tra đã tăng 30 - 39%, trong đó cá tra đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Tập trung khai thác tốt
Việt Nam luôn coi EU là đối tác quan trọng hàng đầu, là bạn hàng lớn truyền thống và tiền năm cho nông sản Việt Nam, nhất là khi hiệp định EVFPA có hiệu lực.
Đồng thời, thu hút các dự án FDI để tập trung phát triển nông nghiệp tri thức, nông nghiệp sinh thái và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó các dự án sẽ hình thành cụm liên kết vùng chuyên canh lớn về chế biến nông sản, thủy sản, đa dạng hoá các sản phẩm có giá trị cao trên nền tảng phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và logictics phục vụ cho chuỗi giá trị nông nghiệp với thị trường EU.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường với giá trị gia tăng cao như EU đã góp phần nâng thu nhập cho người nông dân. Về dài hạn, khi đã quen với những điều kiện và tiêu chuẩn cao của EU thì tác động về cải thiện thu nhập cũng càng rõ rệt.
Còn theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tác động của Hiệp định EVFTA là một xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy vậy, với một thị trường lớn với những tiêu chuẩn rất khắt the, để tập trung khai thác tốt thị trường này, theo ông Hải, việc tuân thủ đúng các quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ là rất quan trọng, bởi đây vừa là hàng rào nhưng cũng là công cụ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này, tránh chuyện gian lận xuất xứ từ các nước cạnh tranh khác.
Hiện nay dù xuất khẩu sang EU nói riêng và châu Âu nói chung có nhiều tăng trưởng tích cực, tuy nhiên, nhìn tổng thể, nhiều mặt hàng nông sản khi xuất khẩu vẫn là sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô hoặc tỷ lệ sơ chế rất thấp.
Do đó, ông Trần Thanh Hải cho rằng, để sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn thì vai trò của thương hiệu rất lớn. Theo ông, thương hiệu cũng là một công cụ, phương tiện để doanh nghiệp có thể tiêu thụ được sản phẩm, vừa mở rộng thị trường, vừa nâng cao giá trị khi xuất khẩu.