Cơ giới hóa nông nghiệp khó đồng bộ khi đường nhỏ, ruộng manh mún

Việc ứng dụng cơ giới hóa ở nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp và chưa toàn diện, chưa đồng đều giữa các vùng miền; Máy cơ giới chưa phát huy được hiệu quả cao do hạ tầng kém, ruộng đất manh mún, đường giao thông nội đồng xuống cấp, nhiều nơi không có bờ vùng bờ thửa nên máy cơ giới đi lại khó khăn.

Nội dung trên được chia sẻ tại Diễn đàn nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên” do Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 23/5.

hoi-thao-co-gioi-hoa-nong-nghiep-01-1716515267.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn nông nghiệp “Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên”.

Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ

Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn với giá trị cao, tăng thu nhập cho nông dân mà còn là chìa khóa tạo nền tảng cho ngành nông nghiệp tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, thực trạng ứng dụng cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta chưa đồng bộ.

Từ năm 2011 đến nay, số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Cụ thể, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy cấy tăng 10 lần, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy sấy nông sản tăng 30% và máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 3,5 lần. Ứng dụng cơ giới hóa đã đưa giá trị gia tăng toàn ngành bình quân đạt từ 2%-3% năm. Năm 2010, năng suất lao động bình quân của người lao động đạt 16, 6 triệu đồng, đến năm 2020 đã tăng lên 52,7 triệu đồng, tăng 3,17 lần.

hoi-thao-co-gioi-hoa-nong-nghiep-04-1716515313.jpg
Từ năm 2011 đến nay, số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. (Ảnh minh họa)

Tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (từ thành phố Đà Nẵng đến  Bình Thuận) đã ứng dụng 100% máy móc thiết bị trong khâu làm đất, thu hoạch và ứng dụng 90% máy gặt đập liên hợp. Riêng tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị trong gieo sạ còn thấp, chỉ chiếm khoảng 10% tổng diện tích gieo sạ toàn vùng. Khâu bón phân và phòng trừ sâu bệnh đa phần nông dân vẫn sử dụng biện pháp thủ công.

Máy cơ giới chưa phát huy được hiệu quả do hạ tầng kém

Thảo luận tại Diễn đàn, đại diện hợp tác xã và bà con nông dân nêu lên nhiều hạn chế, tồn tại như: việc ứng dụng cơ giới hóa ở nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng thấp và chưa toàn diện, chưa đồng đều giữa các vùng miền; máy cơ giới chưa phát huy được hiệu quả cao do hạ tầng kém, ruộng đất manh mún, đường giao thông nội đồng xuống cấp, nhiều nơi không có bờ vùng bờ thửa nên máy cơ giới đi lại khó khăn.

Đáng chú ý, việc đầu tư cho cơ giới hóa yêu cầu vốn lớn so với khả năng của nông hộ, thiếu cơ sở dịch vụ máy cơ giới chuyên ngành; sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế; kỹ thuật vận hành sửa chữa máy nông nghiệp rất yếu. Công tác đào tạo lành nghề cho công nhân và nông dân về vận hành, sửa chữa các loại máy cơ khí nông nghiệp chưa được quan tâm thích đáng. Do vậy, đại diện hợp tác xã và nông dân kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn mua sắm máy móc, thiết bị để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

hoi-thao-co-gioi-hoa-nong-nghiep-03-1716515239.jpg
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn mua sắm máy móc, thiết bị để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.(Ảnh minh họa)

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ còn thấp vì nhiều yếu tố, cần có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương.

"Vấn đề cơ giới hóa hiện nay Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành đã ban hành một loạt các cơ chế, chính sách. Bà con cũng đang rất sẵn sàng để ứng dụng cơ giới hóa. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất vẫn còn những rào cản. Chúng ta có một hạ tầng sản xuất tương đối manh mún, làm thế nào để thay đổi được nhận thức của người sản xuất. Chúng ta không thể nào cơ giới hóa trên một mảnh ruộng nhỏ được và phải thay đổi ngay tư duy, nông dân phải chấp nhận phá bỏ những bờ bao. Mặc dù rất nhỏ như vậy nhưng đó chính là rào cản lớn nhất để chúng ta cơ giới hóa được", ông Lê Quốc Thanh nêu rõ./.

Bình Châu