Chuyện kể rằng,
...Tôi và cô Tần ở 2 xóm gần nhau. Chúng tôi phải lòng nhau từ năm học cấp 2. Thời đó đi học muộn, học cấp 2 nhưng đứa nào cũng lớn tướng. Tần xinh gái, người cao đậm, da trắng hồng, đôi mắt bồ câu nhìn dễ thương. Nhiều chàng trai yêu, nhưng cô chỉ yêu một mình tôi. Tháng 10 năm 1964, chúng tôi làm lễ ăn hỏi.
Quê tôi lễ ăn hỏi khác với mọi nơi. Hai đứa đi khắp nhà bà con hai họ gửi 1 kg thịt, 1 cái bánh chưng, cau trầu và 1 nắm chè xanh. Sau lễ ăn hỏi bà con hai họ công nhận hai đứa là vợ chồng. Chỉ còn làm lễ cưới nữa là cô dâu về ăn ở tại nhà chồng. Do đó, nhà ngoại xem tôi là con rể. Còn nhà tôi xem cô Tần là con dâu. Hỏi vợ sau một tháng, tôi vào bộ đội, ở đại đội Lê Hồng Phong, trung đoàn 270, Quân khu 4. Được đóng quân ở Nghèn 3 ngày. Trong 3 ngày đó, hôm nào bố mẹ và Tần cũng đến chơi với tôi từ sáng tới cuối chiều mới về. Hai chúng tôi thương nhau lắm.
Thú thực cùng anh trước lúc đi xa nhiều hôm hai đứa muốn hôn nhau. Nhưng bố mẹ cô Tần rất nghiêm khắc, lúc tìm hiểu ông bà bắt ngồi trong nhà thắp đèn lên, còn mấy ngày tôi đóng quân ở quê chuẩn bị vào chiến trường, ông bà lại đưa Tần lên chơi với tôi rồi lại đưa cô về. Nên chúng tôi không làm sao gửi cho nhau được một nụ hôn, đến bây giờ nghĩ lại mà ân hận. Cũng may được đóng quân ở Nghèn 3 ngày, hai chúng tôi đi chụp ảnh tặng cho nhau. Vào chiến trường tôi tham gia đánh Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt.
Ngày mồng 1-1-1968, tôi được điều ra chiến đấu ở Đảo Cồn Cỏ. Tôi nghĩ ra đảo chiến đấu ác liệt, nên dùng ống liều phóng súng cối 60 li cho ảnh hai đứa vào rồi lấy bao ni-long quấn thật kỹ, chôn ở gần kho đạn của trung đoàn, làm dấu cẩn thận, nếu còn sống trở về thì sẽ đến đấy lấy. Hơn nửa năm chiến đấu ngoài đảo, tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cử ra Sơn Tây học trường Sĩ quan Lục quân. Khi vào Vĩnh Linh tôi đào lên, may thay ảnh chúng tôi vẫn còn. Đây là tấm ảnh duy nhất của Tần để lại. Cũng nhờ tấm ảnh này mà hôm nay tôi có ảnh thờ và có ảnh để trên mộ ở nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc.
Hai mươi hai năm sống trong quân ngũ, tham gia chiến đấu ở nhiều vùng ác liệt tại Quảng Trị, biên giới phía Bắc, tôi không khi nào quên lời dặn dò của Tần trước khi lên đường nhập ngũ: “Anh làm không tròn nhiệm vụ mà về là em không chấp nhận”. Lời dặn dò của Tần tạo cho tôi niềm tin, sức mạnh để vượt qua những lúc gian khổ nhất. Đời tôi không bao giờ quên, đó là hôm tôi vào Nam chiến đấu, Tần đã cắt tóc thề: “Em một mực chờ chồng”.
Nắm tóc thề của cô ấy quấn thành vòng số tám bỏ vào túi bóng đưa cho tôi. Tôi hiểu ý nghĩa hình số tám, ý cô muốn nói: “Dù có gian khó bao nhiêu, cuộc đời của chúng mình vẫn luôn gắn chặt với nhau”. Tôi giữ nắm tóc đến mãi sau này Bảo tàng Ngã Ba Đồng Lộc xin tôi mới trao lại cho họ. Từ khi vào chiến trường chiến đấu hai chúng tôi bặt tin nhau. Tôi chỉ nhận được duy nhất một lá thư của Tần gửi qua anh trai của tôi cũng đi bộ đội vào chiếc đấu ở chiến trường B. Được nhìn lại dòng chữ của Tần giữa chiến trường Quảng Trị cái sống và cái chết trong gang tấc, tôi sung sướng vô cùng.
Tần ở lại nhà đi thanh niên xung phong tôi cũng không biết. Mãi khi tôi được ra Bắc học trường sĩ quan, đinh ninh lần này sẽ xin đơn vị nghỉ phép mấy hôm để cưới vợ. Không ngờ, tôi nhận được tin như sét đánh: Tần đã hi sinh. Tôi khóc khô cạn cả lệ, về nhà lập bàn thờ. Tần là người chị đầu, mặc dù cô đã mất, ông bà bên ngoại xem tôi như người anh cả trong gia đình. Hôm bốc mộ Tần, tôi là người trực tiếp đưa hài cốt của cô sang tiểu. Cầm lên các xương của Tần lòng tôi như lửa đốt. Chiến tranh đã cướp đi mối tình đẹp của chúng tôi. Bất chợt tôi nghĩ miên man, ước gì kiếp sau hai đứa được cùng sống chung trong một nhà.
Đến nay, Tần đã ra đi hơn 40 năm nhưng trong lòng tôi không bao giờ quên được hình ảnh của Tần. Mỗi khi nhớ về đôi mắt của Tần lòng tôi lại bâng khuâng, xao xuyến lạ. Tôi tự hào cả cuộc đời mình đã làm được lời Tần dặn. Hàng năm cứ đến ngày 24-7, chúng tôi lại làm giỗ cho Tần. Tôi mong ngày nào hương hồn cô cũng được ở trong nhà để chúng tôi luôn được ở bên nhau. Con tôi gọi Tần là mẹ. Vợ tôi gọi Tần là chị cả. Cả nhà tôi ai cũng quý nhớ Tần.
Trong niềm thương nhớ, ông đứng lên, đôi tay run run châm mấy nén hương cắm lên bàn thờ Tần. Tôi biết ông đang vô cùng xúc động không nói thành lời. Chia tay gia đình ông Nguyễn Đức Hồng, một cựu chiến binh còn mang trong mình nhiều viết thương và 6 mảnh đạn, đang sống trong một căn nhà cấp 4 đơn sơ, lòng tôi cứ bồn chồn day dứt. Chiến tranh đã lấy đi của bác nhiều quá. Riêng bài thơ tình của một nhà thơ được thêu trên gối cưới của người nữ liệt sĩ cứ khắc mãi vào tâm hồn tôi./.