Tại hội thảo, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Công an, chuyên gia kinh tế chia sẻ những giải pháp thiết thực giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí năng lượng và góp phần bảo vệ môi trường.
Đại diện VCCI cho biết, hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo, cũng như những nguồn lực cần thiết để chuyển đổi xanh hiệu quả. Xanh hóa sản xuất sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên hàng đầu để Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế xanh phát triển, hướng tới tương lai bền vững.
Với đặc điểm số giờ nắng và tổng lượng bức xạ mặt trời thấp hơn so với khu vực miền Trung và miền Nam, nhiều doanh nghiệp phía Bắc vẫn còn ngần ngại khi tiếp cận với các dự án điện mặt trời áp mái.
Một trong những giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp chú trọng nhằm xanh hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh đó là lắp điện mặt trời mái nhà. Cụ thể, theo ông Trần Quốc Hải – đại diện đến từ SP Group: Hiện các doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà rất cao.
Đặc biệt theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, không thể giúp nâng cao khả năng cạnh tranh mà còn giúp sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu tại các thị trường khó tính.
“Doanh nghiệp đang có hàng hoá vào những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, nếu không đạt tiêu chuẩn về phát thải thì phải trả tiền thuế” – ông Phạm Đăng An - Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group chia sẻ. Như vậy, xanh hoá sản xuất không chỉ đơn giản là cam kết cùng với Chính phủ thực hiện phát thải ròng bằng 0 như cam kết, mà đó còn là cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.
Có thể nói, điện mặt trời mái nhà đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, để thuận lợi cho việc thực hiện lắp đặt, bên cạnh tìm hiểu kỹ cơ chế, chính sách, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là doanh nghiệp phải chọn được đơn vị tư vấn uy tín, có kinh nghiệm và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy./.