Sửa bông thơ là nhẹ nhàng nhất trong làm báo bởi từng câu, từng dòng vừa ngắn vừa rõ ràng. Ấy vậy mà, cũng giống như đầu đề các bài báo và chú thích ảnh, chữ càng ít, cỡ chữ càng to càng dễ sai, nó giống như đoạn đường càng thẳng, càng tốt lại hay xảy ra tai nạn giao thông vậy.
Số xuân năm 2000 chúng tôi đăng một bài thơ của một tác giả quen, khi duyệt, tất cả đều đầy đủ, không thiếu nguyên bản một câu, một chữ, vậy mà khi in ra không hiểu tại sao câu cuối cùng của bài thơ biến đi đâu mất. Cả bài thơ có câu kết có giá trị nhất thì lại mất khiến bài thơ như cô gái rất xinh nhưng bị què.
Vậy mà không ai phát hiện ra đến khi tạp chí phát hành xong xuôi, tác giả gọi điện đến mọi người mới ớ người ra, người thì bảo máy vi tính không tương thích, người thì bảo khi “mi” xong vì không “save” vào… May nhà thơ là bạn thân ông Phó Tổng biên tập nên ông không bắt đền. Bài học đó chúng tôi vẫn nhớ và luôn nhắc nhau cẩn trọng khi sửa bông và duyệt bản bình trước khi in.
Vậy mà số xuân 2006 chúng tôi lại sai khi đăng bài thơ “Miền ký ức” của nhà thơ Văn Công Hùng Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Rai. Bài thơ có 4 khổ 16 câu mà sai đến 2 câu. Câu 2 khổ thứ 3 nguyên tác là “Có chút buồn em vớt ở hoàng hôn” thế nào khi in ra lại thành: có chút chuồn, còn câu thứ 12 khổ 4 “Chiếc mo cau rơi thờ thẫn bên rào” lại thành “chiếc mo cau rơi thò thẹn bên rào”.
Riêng câu thứ hai chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân, số là chiếc máy vi tính của chúng tôi lỗi phông khi đánh chữ thẫn rồi đánh dấu cách là nó thành chữ then người sửa bản bông không đối chiếu bản gốc nên chữa theo cảm tính thành thò thẹn cho có nghĩa.
Tác giả vô cùng bức xúc viết cho chúng tôi bức thư và “kêu gọi khẩn thiết” “… Tôi đề nghị muộn còn hơn không, các anh chị giúp tôi một cái đính chính để bạn đọc không hiểu rằng tôi… ngây ngô như chút chuồn kia. Tôi sẽ rất biết ơn các anh chị”. Vậy, có mấy câu thơ gửi người sửa bông: Bản thảo không ai sửa/Mà chút buồn thành chuồn/Thờ thẫn thành thò thẹn/Sửa bông mà như thế/Tác giả buồn tái tê./.