Chương trình mục tiêu quốc gia - điểm tựa thoát nghèo của người dân Đắk Glong

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719), huyện Đắk Glong đã đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân.
nguon-luc-cua-chuong-trinh-1719-da-tiep-suc-huyen-dak-glong-day-nhanh-cong-cuoc-xoa-doi-giam-ngheo-va-nang-cao-doi-song-cho-nguoi-dan-1714364758.jpg
Nguồn lực của Chương trình 1719 đã tiếp sức huyện Đắk Glong đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân

Quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền

Là một huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, Đắk Glong là địa phương luôn được ưu tiên nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện xóa đói, giảm nghèo trong nhiều năm qua. Theo Nghị quyết số 04 (11/11/2020) về việc tăng cường công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 – 2025, Huyện ủy Đắk Glong đã tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo đối với công tác giảm nghèo.

Theo kế hoạch, Đắk Glong được tỉnh phân bổ hơn 364 tỷ đồng. Đây là tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 của huyện. Với nguồn lực này, Đắk Glong có thể phát triển toàn diện đời sống của bà con DTTS trên địa bàn.

Căn cứ vào kế hoạch của UBND huyện và tình hình thực tế của địa phương, hàng năm các xã của Đắk Glong đều xây dựng chỉ tiêu và đề ra biện pháp cụ thể để đưa các hộ dân từng bước thoát nghèo. Huyện triển khai chính sách hỗ trợ, địa phương lồng ghép, kết hợp vào các chương trình, dự án giảm nghèo. Từ đó, các hộ nghèo có đủ điều kiện và động lực để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

dak-glong-la-dia-phuong-duoc-uu-tien-nhieu-nguon-luc-tu-chuong-trinh-1719-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-1714364802.jpg
Đắk Glong là địa phương được ưu tiên nhiều nguồn lực từ Chương trình 1719 để phát triển kinh tế - xã hội

Báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững  năm 2023, Đắk Glong đạt kết quả đáng khích lệ. Số hộ nghèo giảm xuống còn 2.531 hộ/18.832 hộ, chiếm tỷ lệ 13,44%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm 12%, cao gấp đôi so với kế hoạch; trong đó tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số giảm 6%.

Tập trung vào các mô hình hiệu quả và bền vững

Trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình 1719, Đắk Glong tập trung giúp hộ nghèo, hộ DTTS ổn định về nhà ở, đất sản xuất. Huyện chủ trương đa dạng sinh kế và đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân là người DTTS. Mục tiêu là xây dựng các điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế rồi từng bước thoát nghèo.

Tận dụng tốt nguồn vốn chính sách và điều kiện tự nhiên của địa phương, nhiều mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng cây dược liệu, nuôi dê, bò, thỏ… của người DTTS dần xuất hiện. Công với sự chăm chỉ và chủ động học hỏi kinh nghiệm của các hộ dân, đến nay các mô hình đã phát huy được hiệu quả bước đầu, mang lại nguồn thu nhập khá cho hầu hết các hộ dân nơi đây.

dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-xa-dak-plao-dak-glong-duoc-ho-tro-bo-giong-de-phat-trien-mo-hinh-chan-nuoi-1714364832.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đắk P'lao (Đắk Glong) được hỗ trợ bò giống để phát triển mô hình chăn nuôi.

Từ cơ sở nêu trên, Đắk Glong tiến hành xây dựng các mô hình sản xuất giỏi, có hiệu quả và tổ chức nhân rộng khắp địa bàn. Các thôn, bon bắt đầu thành lập các tổ nhóm giúp đỡ, tương trợ nhau trong làm ăn cũng như phát triển kinh tế. Theo đó, công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức làm ăn cho các hộ cũng được huyện đẩy mạnh.

Ngoài ra, Đắk Glong ra sức tuyên truyền đến các hộ nghèo và cận nghèo. Huyện tích cực vận động người tham gia thực hiện tốt các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và nỗ lực phấn đấu vươn lên sớm thoát nghèo bền vững. Hoạt động này đã trực tiếp tác động đến nhận thức và gián tiếp đẩy nhanh tiến độ các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế của người dân.

duoc-ho-tro-dat-san-xuat-dong-bao-dtts-xa-quang-hoa-dak-glong-trong-dau-nuoi-tam-mang-lai-hieu-qua-kinh-te-cao-1714364854.jpg
Được hỗ trợ đất sản xuất, đồng bào DTTS xã Quảng Hòa (Đắk Glong) trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không dừng ở đó, huyện còn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn như trồng trọt, thú y, sửa chữa nông cụ, … phù hợp với nhu cầu và khả năng của người lao động và đáp ứng đòi hỏi của địa phương. Sau mỗi khóa học, học viên đều được trang bị những kỹ năng - kiến thức cần thiết, có thể áp dụng ngay vào việc sản xuất kinh tế của gia đình.

Song song với công tác đào tạo nghề, Đắk Glong tiến hành phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho người dân. Với đặc thù là địa phương có đồng bào DTTS chiếm đến 70% dân số, nên xóa mù chữ là nhiệm vụ được cụ thể hóa trong nghị quyết của Đảng bộ huyện. Qua 2 năm triển khai, đã có hàng ngàn đồng bào DTTS Mông, Dao, Tày, Mạ, M'nông… được xóa mù chữ.

ong-doan-van-phuong-pho-chu-tich-ubnd-huyen-dak-glong-bao-cao-tinh-hinh-thuc-hien-chuong-trinh-1719-tren-dia-ban-huyen-1714364878.jpg
Ông Đoàn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong báo cáo tình hình thực hiện Chương trình 1719 trên địa bàn huyện

Ông Đoàn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết: “Để thực hiện có hiệu quả Chương trình 1719, hàng năm UBND huyện Đắk Glong rà soát rất kỹ từng nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó có các chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Mặt khác, huyện luôn bám sát kiểm tra việc tiếp nhận chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ bên trên và triển khai đến các địa phương và từng người dân được thụ hưởng”.

Từ kết quả đã đạt được, Đắk Glong đã chứng tỏ được tầm nhìn và hướng đi đúng đắn trong việc khai thác nguồn vốn của Chương trình 1719. Đó là động lực giúp đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo, thay đổi cuộc sống và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương./.