Ngày 28/12, tại thành phố Vũng Tàu, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội thảo triển khai chương trình khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) tại Việt Nam cho vùng Đông Nam Bộ.
Khoảng 250 đại biểu là lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Ủy ban Nhân dân các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; đại diện các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp Trung ương, các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ; các chuyên gia, nhà khoa học... tham dự hội thảo.
Góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu
Chương trình KH&CN Net Zero là một trong những hành động khẩn trương, kịp thời của Bộ KH&CN trong việc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hình thành ngay một Chương trình KH&CN quốc gia phục vụ trực tiếp mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.
Chương trình này sẽ song hành cùng với các Chương trình KH&CN quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp KH&CN, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).
Chương trình có nhiều nét mới, được triển khai theo hướng "tiếp cận từ mục tiêu", huy động nguồn lực, trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp kết hợp các nhà khoa học, chuyên gia từ khối viện, trường đại học và nhà nước để giải quyết mục tiêu cụ thể của quốc gia - mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam đến năm 2050.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero sẽ là nền tảng, là cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn Chương trình Net Zero sẽ được thông tin rộng rãi tới tất cả cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học tại vùng Đông Nam Bộ.
Hội thảo còn là cơ hội để các đại biểu trao đổi, tìm kiếm giải pháp hiệu quả và thực tế nhằm triển khai thành công chương trình hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại vùng Đông Nam Bộ - khu vực có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
"Hội thảo sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thúc đẩy mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam," Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Phát triển xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam
Từ thực tiễn tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định, phát triển xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.
Nhằm triển khai thực hiện thành công cam kết của Chính phủ đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.
Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp các địa phương, các tổ chức và các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, trong bối cảnh một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng tới thiết lập áp dụng hàng rào carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam.
Trong thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quyết liệt triển khai các chiến lược, kế hoạch theo lộ trình giảm phát thải để đạt Net Zero; tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn về kiểm kê khí nhà kính gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh; triển khai Bản ghi nhớ với chính quyền thành phố Sakai, Nhật Bản trong lĩnh vực môi trường, hướng tới xây dựng "Thành phố không Carbon", "Kinh tế tuần hoàn" và khả năng phát triển dự án áp dụng Cơ chế tín chỉ chung...
Đồng thời, tỉnh đang triển khai đề án "Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030"; qua đó, định hướng đưa Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong và hình mẫu điển hình trong áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nước và khu vực.
Nhờ những nỗ lực này, năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của Bà Rịa - Vũng Tàu, xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng của cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022, xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Bộ.
Chia sẻ về một số định hướng triển khai khoa học công nghệ phục vụ mục tiêu Net Zero tại khu vực Đông Nam Bộ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho biết, khu vực Đông Nam Bộ có tiềm năng lớn để thực hiện các chương trình Net Zero do tính chất kinh tế năng động và cơ sở hạ tầng hiện đại.
Ngoài thế mạnh về điều kiện tự nhiên, thế mạnh kinh tế và công nghệ công nghiệp hiện đại, vùng Đông Nam Bộ còn là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước có thể áp dụng các công nghệ sản xuất xanh, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch; phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao và giao thông vận tải hiện đại….
Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại vùng Đông Nam Bộ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ đề xuất thời gian tới, khu vực này cần xác định các nguồn phát thải chính, bao gồm công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và các hoạt động đô thị; nghiên cứu, triển khai hệ thống điện mặt trời kết hợp pin lưu trữ năng lượng cho các khu dân cư, khu công nghiệp và doanh nghiệp. Phát triển công nghệ điện gió trên đất liền và ngoài khơi đặc biệt tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; nghiên cứu công nghệ sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm tại các tỉnh, như: Đồng Nai, Bình Dương.
Ngoài ra, khu vực Đông Nam Bộ cần triển khai các giải pháp hydro xanh để lưu trữ và vận chuyển năng lượng; áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu sạch trong sản xuất công nghiệp; nghiên cứu và triển khai xe điện và các giải pháp giao thông công cộng xanh; thiết kế các mô hình đô thị thông minh, tối ưu hóa sử dụng năng lượng và quản lý chất thải...
Tại hội thảo, trên cơ sở phân tích các đặc thù về kinh tế - xã hội, thuận lợi, các khó khăn, thách thức của vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia đã trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp và đề xuất các định hướng, giải pháp về KH&CN nhằm hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu Net Zero cho vùng Đông Nam Bộ nói chung và của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng nói riêng.
Đồng thời, Bộ KH&CN hướng dẫn cho các tổ chức, các nhân từ các viện, trường, các doanh nghiệp… xây dựng các đề xuất nhiệm vụ tham gia Chương trình KH&CN cấp quốc gia "Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam".
Bộ KH&CN kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ đề xuất các các nhiệm vụ KH&CN trong khuôn khổ Chương trình KH&CN Net Zero gửi về Bộ KH&CN trước ngày 10/01/2025 (Đợt 1) để triển khai ngay các nhiệm vụ KH&CN ngay trong năm 2025./.