Du lịch xanh sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế xanh, giúp tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050. Những năm gần đây, du lịch xanh ngày càng được quan tâm và trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nghiệm, cam kết thực hiện các điều ước đã đề ra, tôn trọng các khuyến nghị của các tổ chức du lịch quốc tế, đặc biệt là Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO).
"UNWTO đã đề ra: phát triển du lịch xanh cần gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ, tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân một cách bền vững. Ở một mức độ cao hơn, du lịch Net Zero hướng tới mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực tới các hoạt động du lịch.
Với cách tiếp cận này, Chính phủ yêu cầu xây dựng chương trình phù hợp với đất nước, con người và văn hóa Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói và cho biết, tinh thần đó được thể hiện qua Nghị quyết 82 về xây dựng kế hoạch vận động quốc gia tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021 - 2030, xác định ưu tiên phát triển loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh.
Phát triển du lịch gắn với đổi mới công nghệ, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính để tạo ra sản phẩm xanh độc đáo nhằm thu hút du khách, tăng cường công tác quản lý điểm đến, không có rác thải nhựa để hoàn thiện và phát huy hiệu quả của chính sách phát triển du lịch, đặc biệt là chuyển đổi số.
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng cường các dòng sản phẩm đã hiện diện ở Việt Nam có thế mạnh, lợi thế, dư địa phát triển như du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, khám phá trải nghiệm các di sản tự nhiên, văn hóa.
Ngoài ra, du lịch còn có nhiệm vụ tạo ra cơ hội việc làm, chia sẻ lợi ích cộng đồng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
TS Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tất cả các quốc gia, hệ thống chính trị đều phải có trách nhiệm với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như thực hiện cam kết quốc gia.
Hiện các công ty du lịch, các cơ quản lý nhà nước Việt Nam đã thực hiện mục tiêu giảm khí thải, khí nhà kính của các hoạt động liên quan đến du lịch.
"Ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, vận hành du lịch để thực hiện yêu cầu này", TS Huy nói.
Là một trong những địa phương có lượng khách du lịch trong và ngoài nước lớn, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình liên kết nhằm phát triển một cách bền vững và thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chạy đua mục tiêu Net Zero, đòi hỏi TP.HCM với vị trí trung tâm du lịch của cả nước và đi đầu trong liên kết vùng cần phải “bứt phá” hơn nữa.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể và có lộ trình cho các mục tiêu trung hạn và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các “cú sốc” về kinh tế - xã hội.
Lộ trình chuyển đổi có thể cần 10 - 20 năm để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai đối thoại, thử nghiệm, học hỏi, tranh luận, và điều chỉnh chính sách.
Trong thời gian tới, cần có sự đóng góp, tham gia của các Sở, ban ngành, cùng các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chi tiết các giải pháp, bao gồm các kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và lộ trình triển khai thực hiện./.
Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), sau hơn 2 năm khôi phục hoạt động, ngành du lịch toàn cầu gần như đã phục hồi so với trước đại dịch COVID-19. Trong quý 1/2024, đã có hơn 285 triệu khách du lịch quốc tế trên toàn cầu, đạt 97% mức trước đại dịch. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương đạt 82% mức trước đại dịch. Riêng với Việt Nam, 7 tháng năm 2024, tổng số khách quốc tế đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù thu hút lượng lớn khách du lịch nhưng ngành du lịch đang đứng trước yêu cầu chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững.
Báo cáo Du lịch Bền vững 2023 của Booking.com cũng cho biết, trên toàn cầu, 80% số người tham gia khảo sát khẳng định du lịch theo hướng bền vững ngày càng quan trọng với họ. Tại Việt Nam, có 97% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết họ muốn đi du lịch bền vững hơn trong 12 tháng tới. 75% du khách cho biết họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các lựa chọn du lịch bền vững đã được cấp chứng nhận và 83% du khách bày tỏ mong muốn có thể giúp những địa điểm nơi họ đến du lịch trở nên xanh, sạch hơn sau khi rời đi.