Hợp chất AdBlue được rót trực tiếp vào hệ thống xả của động cơ để giúp giảm lượng khí thải nitrogen oxide. Hợp chất này chứa 32% lượng urê tinh chế và 68% nước đã khử ion. Nếu không có dung dịch AdBlue, nhiều xe chở hàng trọng tải lớn, xe tải nhỏ và xe ô tô chạy bằng nhiên liệu diesel, có hệ thống quản lý động cơ nhạy cảm với môi trường, sẽ không được phép hoạt động.
Do Trung Quốc, nhà cung cấp hơn 80% lượng urê cho các quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã bất ngờ tuyên bố ngừng xuất khẩu hóa chất quan trọng này, nên lượng urê dự trữ tại Australia đang lâm vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vì không có nguồn cung thay thế. Sự thiếu hụt urê, gây khan hiếm AdBlue, có nguy cơ sẽ làm tê liệt mạng lưới giao thông đường bộ và làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu của Australia.
Ông Simon Henry, Giám đốc điều hành của tập đoàn DGL, nhà sản xuất khoảng 60% nguồn cung cấp AdBlue của Australia, cho biết lượng dự trữ AdBlue của tập đoàn ước tính cung cấp đủ cho các phương tiện chay bằng động cơ diesel hoạt động trong 6 tuần nữa. Tuy nhiên, nhu cầu đang tăng mạnh vì đây là giai đoạn cao điểm bán hàng cho dịp lễ Giáng sinh. DGL hiện có tới hơn 1.000 đơn hàng chưa được thực hiện trên sổ sách, trong khi các công ty vận tải đường bộ và các khách hàng khác đang ra sức tranh giành nguồn cung. Ông nói một sự rạn nứt trong chuỗi cung ứng đã xuất hiện.
Ông Warren Clark, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận tải đường bộ quốc gia Australia, cơ quan giám sát khoảng 2.000 doanh nghiệp vận tải đường bộ với đội xe lên đến 25.000 người, cho biết tình hình hiện đã trở nên rất nghiêm trọng, với một số nhà khai thác nhỏ hơn hiện không thể tiếp cận nguồn cung cấp AdBlue đáng tin cậy của AdBlue.
Một phát ngôn viên của Ampol,một trong những nhà phân phối nhiên liệu lớn của Australia, cho biết công ty nhận thức được những khó khăn tiềm ẩn trong tương lai với nguồn cung và tính sẵn có của AdBlue và đang tiếp tục chủ động làm việc với các nhà cung cấp, các bên liên quan khác, bao gồm cả chính phủ Australia, để ứng phó với tình hình.
Viva Energy, nhà điều hành của 1.300 trạm dịch vụ phân phối nhiên liệu Shell và Liberty tại Australia, cho biết họ đang giám sát chặt chẽ lượng hàng tồn kho, khuyến khích khách hàng mua số lượng vừa đủ AdBlue, không tích trữ.
Bộ trưởng Công nghiệp và Năng lượng Australia, Angus Taylor, đã lên tiếng cảnh báo các công ty không nên mua tích trữ AdBlue để duy trì vị thế của doanh nghiệp. Ông Taylor tiết lộ, chỉ tính riêng ngày 9/12 đã có hơn 15 triệu lít AdBlue được mua vào tại Australia, gần bằng tổng lượng hàng bán trong 5 tuần thông thường.
Bộ trưởng Taylor nhấn mạnh nhiều lô hàng urê tinh chế sẽ được vận chuyển đến Australia và ước tính AdBlue sẽ được cung cấp thêm cho thị trường trong vòng hai tuần nữa. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Scott Morrison, Bộ trưởng Taylor và nhóm đặc nhiệm đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung hợp chất AdBlue đáng tin cậy cho thị trường nội địa.
Dự kiến, nhóm đặc nhiệm của Chính phủ Australia sẽ hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp và xem xét các lựa chọn, bao gồm tìm kiếm nguồn cung quốc tế thay thế cho urê tinh chế, tăng cường năng lực sản xuất trong nước và các tùy chọn kỹ thuật ở cấp độ phương tiện giao thông.
Nhóm cũng xem xét về giải pháp cho phép các phương tiện chuyên chở chạy bằng động cơ diesel tạm thời được hoạt động mà không cần tuân thủ các quy định yêu cầu sử dụng AdBlue để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia, đồng thời làm việc với Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) để xem xét về việc liệu có cần phê chuẩn tạm thời quy định cho phép các nhà sản xuất chất lỏng xả diesel của Australia chia sẻ thông tin hay không.\
Ông Taylor nói Australia đang nhanh chóng và tích cực làm việc để đảm bảo chuỗi cung ứng của cả hóa chất urê tinh chế và AdBlue đều an toàn, giữ cho ngành công nghiệp nội địa có thể duy trì hoạt động như thường lệ.
Nga và Trung Quốc là những nhà sản xuất urê lớn nhất thế giới. Bên cạnh việc Trung Quốc đã quyết định ngừng xuất khẩu urê từ năm 2021, trong nỗ lực kiềm chế giá phân bón và ngăn lạm phát lương thực nội địa tăng cao, các nguồn cung khác, bao gồm Nga, đang gặp gián đoạn do dịch COVID-19 và chi phí vận chuyển tăng đột biến./.