Chứng khoán, bất động sản hay tiết kiệm: Vốn nhỏ, bỏ tiền vào đâu?

Khác với các đại gia có trăm tỷ, nghìn tỷ, những nhà đầu tư nhỏ tích cóp được ít tiền luôn bị rối loạn giữa các thông tin thị trường dẫn đến tình trạng ra “ngã tư đường”, không biết chọn gửi tiết kiệm, mua vàng, mua cổ phiếu hay mua bất động sản…

Chứng khoán và bất động sản sinh lời tốt

Theo dữ liệu của Dragon Capital, xét trong 15 năm, bất động sản là kênh đầu tư hiệu quả nhất với tỷ suất sinh lời bình quân lên đến 11,5%/năm. Điều này đồng nghĩa, nếu rót 1 tỷ đồng vào bất động sản từ năm 2007, nhà đầu tư có thể thu được khoản tiền hơn 5,1 tỷ đồng, tính theo tốc độ sinh lời chung của thị trường. Mức sinh lời bình quân của kênh cổ phiếu trong 15 năm qua là 10,8%/năm (tương đương gấp 4,7 lần), vàng là 7,2%/năm, (tương đương 2,8 lần).

Dài hơn, trong khoảng thời gian 21 năm, cổ phiếu lại chứng tỏ là kênh sinh lời vượt trội với tỷ suất lên tới 15,9%/năm, đồng nghĩa số tiền thu về gấp hơn 19 lần số vốn đầu tư ban đầu. Đứng kế sau là bất động sản với tỷ suất sinh lời bình quân 11,9%, tức gấp 10,6 lần; vàng là 9% (tương đương gấp 6,1 lần). Theo đó, nếu nhà đầu tư bỏ ra 100 triệu đồng để đầu tư vào cổ phiếu theo phương thức tái đầu tư liên tục, sau 21 năm, số tiền thu về là hơn 2,2 tỷ đồng. Nếu đầu tư vào bất động sản chung cư từ năm 2000 với số tiền 100 triệu đồng, chỉ thu về hơn 1 tỷ đồng.

60253-gold-1662247449.jpg
Vàng giúp phòng ngừa rủi ro lạm phát, trượt giá

Còn nếu tính trong 5 năm gần đây, cổ phiếu là kênh có tỷ suất sinh lời cao nhất, lên tới 19,2%/năm (tương đương tăng 140% trong 5 năm), so với mức hơn 12% của bất động sản, 10% của trái phiếu và khoảng 6% của tiền gửi hoặc vàng. Điều này đồng nghĩa, bình quân nhà đầu tư có thể thu về số tiền 2,4 tỷ đồng nếu tham gia đầu tư 1 tỷ đồng từ năm 2017.

Ước tính từ năm 2000 đến năm 2022, GDP Việt Nam đã tăng 11,5 lần và một thị trường cổ phiếu hiện nay chiếm khoảng 74% GDP cũng đã có sự tăng trưởng vượt bậc về mặt nội tại các doanh nghiệp niêm yết. Như vậy, với thời gian đầu tư là từ 5 năm trở lên, kênh chứng khoán đang thể hiện vượt trội.

Riêng kênh bất động sản, khảo sát mới đây của Viện nghiên cứu thị trường DXS, có đến 64% người được khảo sát lựa chọn bất động sản là loại tài sản ưu tiên đầu tư trong năm 2022; 14,7% người lựa chọn đầu tư vào chứng khoán; 7,3% người đầu tư vào tiền điện tử; 3,7% người gửi tiết kiệm và mua vàng.

Theo thống kê của trang web chuyên về bất động sản, trong chu kỳ 10 năm (2010-2020), giá nhà tại quận 5, TP. HCM tăng hơn 200%. Trong giai đoạn thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá bất động sản tại TP. HCM và các thị trường vùng ven cũng ghi nhận tăng 10% - 20%. Theo các chuyên gia, với những người có tiền nhàn rỗi, có tiền gửi ngân hàng thì việc đầu tư vào bất động sản để biến thành tài sản tích lũy về lâu dài là an toàn.

Đáng chú ý, với các trường hợp đầu tư bất động sản theo đúng “sóng”, sẽ có những cơ hội để tăng gấp 5, thậm chí gấp 10 lần trong thời gian ngắn. Nhưng theo các chuyên gia, điều này không phản ánh bức tranh chung của thị trường. Cũng tương tự vậy, trên thị trường cổ phiếu, không thiếu những mã chứng khoán có biên độ tăng vài chục lần chỉ sau một lần, nhưng đó là trường hợp cá biệt.

Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, mặc dù là những kênh đầu tư hấp dẫn nhưng chứng khoán và bất động sản là kênh đầu tư có tính rủi ro cao và dành cho người có chuyên môn.

Các tháng cuối năm: Gửi tiết kiệm đang “sáng”

Theo chuyên gia của Dragon Capital, vàng bạc là kênh đầu tư tạm ổn trong ngắn hạn trước những biến động địa chính trị thế giới. Tuy nhiên về dài hạn, kênh đầu tư này có hiệu quả không cao vì không tạo ra giá trị gia tăng, đây thường được coi là kênh trú ẩn rủi ro nhiều hơn là đầu tư.

Tương tự, gửi tiết kiệm là kênh đầu tư an toàn nhưng có tỷ suất sinh lời không cao do mặt bằng lãi suất thấp. Nhưng càng về các tháng cuối năm, kênh gửi tiết kiệm đang thu hút người có tiền nhàn rỗi khi các ngân hàng liên tục năng lãi suất. Cụ thể, bước sang tháng 8/2022, thay vì mức tăng 0,1 - 0,2 điểm phần trăm, một số ngân hàng đã mạnh tay nâng cao biên độ điều chỉnh 0,1 – 0,6 điểm phần trăm so với tháng trước. Mức lãi suất trên 7%/năm ngày càng xuất hiện nhiều.

Không chỉ ở kỳ hạn dài, các kỳ hạn dưới 12 tháng, thậm chí 1-3 tháng cũng được nhiều ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất 0,2 - 0,5 điểm phần trăm. Hiện nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất kỳ gửi 1-3 tháng xấp xỉ 4%/năm. Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI dự báo, trong 4 tháng cuối năm 2022, khi các ngân hàng thương mại được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhu cầu vốn đầu vào của ngành ngân hàng tăng lên và sẽ còn đẩy lãi suất huy động tăng thêm 0,5-0,7 điểm phần trăm.

Với kênh đầu tư vàng, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam: “Nếu cá nhân chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm về chứng khoán, chưa đủ am hiểu về tiền số, chưa đủ nhiều tiền… thì có thể chọn vàng làm nơi cất giữ tài sản”. Ông nhấn mạnh, vàng giúp phòng ngừa rủi ro lạm phát, trượt giá chứ không sinh lợi nhuận. Người giữ vàng chỉ có lời khi giá vàng tăng.

Thực tế với biến động giá vàng trên thế giới và trong nước, theo Tổng cục Thống kê, bình quân 7 tháng năm 2022 giá vàng tăng 6,58%, người mua vàng đang có mức lãi khá tốt. Đầu tư vàng có ưu điểm hơn cả chứng khoán, bất động sản là vốn đầu tư thấp (chỉ vài triệu đồng cũng có thể mua được vàng) và tính thanh khoản cao. Việc mua - bán vàng hiện có thể thực hiện dễ dàng ở cả nghìn cửa hiệu trên mọi tỉnh thành.

Ngoài ra với chứng khoán, sau khi thiết lập đỉnh kể từ tháng 4/2022, VN-Index đã đảo chiều lao dốc mất tới hơn 20% từ đỉnh, chính thức mất mốc 1.200 điểm sau nhiều năm nỗ lực. Trong quý II, VN-Index giảm tới 294,55 điểm, tương đương -19,7% và từ đầu năm 2022 đã giảm hơn 300,6 điểm, tương đương -20,06%.

Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia phân tích, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, cuộc đua tăng lãi suất ngày càng gay gắt, những dự báo về đình lạm của các nền kinh tế lớn được đưa ra ngày một nhiều... thì triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng cuối năm không mấy sáng sủa. Dòng tiền sẽ luân chuyển qua lại giữa các nhóm ngành, thay vì tạo nên một sóng tăng mạnh cho thị trường.

Riêng với tiền số, thị trường này còn bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn, với việc đã rơi giá xuống khá sâu, cộng với tính pháp lý ở Việt Nam và một số người mất trắng do bị lừa… Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, thị trường tài chính toàn cầu rủi ro, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.

Còn với bất động sản, ghi nhận thực tế từ các tỉnh thành trên cả nước đang cho thấy, nhiều khu vực bất động sản đã thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn so với đầu năm, việc mua bán không nhộn nhịp như trước. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.