Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 9, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là gần 29.000 tỷ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế trong 9 tháng, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo chuyên gia của FiinGroup hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn năm nay diễn ra sôi động hơn do 4 lý do sau:
Thứ nhất, một trong những nguyên nhân phổ biến là nhằm giảm rủi ro áp lực nợ đáo hạn cận kề.
Thứ hai, các chính sách pháp lý kiểm soát nguồn vốn khiến nhiều doanh nghiệp khó triển khai tiếp dự án. Cụ thể theo quy định mới tại Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn), hoặc vi phạm pháp luật.
Thứ ba, thời gian quay vòng vốn bị kéo dài khiến doanh nghiệp phải tăng cường mua lại trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảm bảo khả năng thanh toán nợ.
Thứ tư, tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư cá nhân trước sự kiện Tân Hoàng Minh hồi tháng 4 và mới đây là Vạn Thịnh Phát về rủi ro an toàn hệ thống tín dụng khi thêm cả sự kiện tại Ngân hàng SCB.
Mới đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCI) đã công bố nghị quyết về việc mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 125 tỉ đồng.
Theo đó, VCI dự kiến mua lại 250 trái phiếu mã VCIH2123008 với tổng giá trị 25 tỉ đồng. Loại trái phiếu này có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Ngày thực hiện việc mua lại trước hạn dự kiến là 11/11. Bên cạnh đó, VCI sẽ chi 100 tỉ đồng để mua lại 1.000 trái phiếu có mã VCIH2123009. Loại trái phiếu này cũng có mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.
Ngày thực hiện việc mua lại trước hạn dự kiến là 12/11. Phương thức tổ chức mua lại là thỏa thuận trực tiếp và được thanh toán bằng tiền VNĐ. Ông Tô Hải - Tổng giám đốc VCSC hoặc ông Đinh Quang Hoàn - Phó tổng giám đốc được giao thực hiện các công việc có liên quan để hoàn thành việc mua lại trái phiếu.
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Năng lượng Thiên Niên Kỷ cũng thông báo mua lại trước hạn một phần trái phiếu TNK.H.20.26.001 đang lưu hành.
Cụ thể, công ty sẽ mua lại 400.000 trái phiếu TNK.H.20.26.001 trước ngày đáo hạn 4 năm, tương đương với giá trị mua lại 40 tỷ đồng. Việc mua lại trái phiếu có thể được chia thành nhiều đợt cho đến khi mua lại hết số lượng, dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 9-18/11.
TNK.H.20.26.001 là lô trái phiếu được Năng lượng Thiên Niên Kỷ phát hành vào tháng 10/2020, có giá trị 250 tỷ đồng, đáo hạn ngày 12/10/2026 với lãi suất được trả định kỳ hàng quý, do Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bảo lãnh phát hành và là đại diện sở hữu trái phiếu. Theo thông báo của Năng lượng Thiên Nhiên Kỷ, việc mua lại trái phiếu trước ngày đáo hạn là nhằm mục đích giảm dư nợ trái phiếu.
Trước đó hàng loạt doanh nghiệp cũng mua lại trái phiếu trước hạn do e ngại rủi ro.
Ngày 10/6, Chứng khoán VIX đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ 3.000 trái phiếu mã VIXH2124001 với tổng giá trị là 300 tỷ đồng. Như vậy, sau 1 năm phát hành, Chứng khoán VIX sẽ mua lại toàn bộ trái phiếu phát hành trong năm 2021.
Công ty CP An Phát Finance tất toán trước hạn toàn bộ bảy lô trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng; Công ty Intimex Việt Nam cũng mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027.
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) thanh toán 2.800 tỷ đồng trái phiếu dù chưa đến hạn, dự kiến thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 2/2023.
Ngày 3/10, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) thông báo đã mua lại tổng cộng 250 tỷ đồng trái phiếu và hoàn tất hết nợ đối với hai lô trái phiếu (REEBOND2017-01, REEBOND2017-02).
Ngày 4/10, Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán VIX thông báo mua lại trước hạn toàn bộ 200 tỷ đồng trái phiếu VIX phát hành (mã VIXH2124002) ngày 4/10/2021.