Cụ thể, quý II Halico đạt doanh thu thuần đạt 19,4 tỷ đồng và lãi gộp 5,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 39% và 35% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp nhích nhẹ từ 27.5% lên 29%. Phần lớn nguồn thu của Halico đến từ bán thành phẩm rượu, chiếm tới 89%.
Quý II chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm, nhưng Halico vẫn lỗ ròng 2,1 tỷ đồng. Có cải thiện hơn so với mức lỗ 3,2 tỷ đồng của quý II năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng là âm 2,1 tỷ đồng. Đây đã là quý lỗ thứ 25 liên tiếp của doanh nghiệp này, kể từ quý II/2017.
Lũy kế 6 tháng, Halico ghi nhận doanh thu 47,8 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ ròng 3,4 tỷ đồng, giảm so với khoản lỗ gần 7 tỷ đồng của năm ngoái.
Năm nay, Halico lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu 215,4 tỷ đồng, dự kiến lỗ 13,4 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước gần 94 tỷ đồng. Như vậy công ty mới hoàn thành 22% kế hoạch doanh thu năm.
Quý II/2023 Halico lỗ 2,1 tỷ, do đó đây quý lỗ thứ 25 liên tiếp của công ty kể từ quý II/2017. Qua đó, nâng lỗ lũy kế lên hơn 473 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty vẫn còn khoản tiền 613,5 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển.
Tính tới thời điểm 30/06/2023, tổng tài sản của Halico đạt gần 364 tỷ đồng, giảm hơn 2 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng hơn 27 tỷ đồng lên gần 101 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 19 tỷ đồng. Nợ phải trả đều là nợ ngắn hạn đạt hơn 23,5 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng so với đầu năm, công ty không ghi nhận vay nợ tài chính.
Được biết, Halico tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ. Với vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 200 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, MCK: HBN) là công ty mẹ chiếm 54,29% vốn.
Chia sẻ về việc kinh doanh thua lỗ liên tiếp Halico cho biết, trong năm 2023 công ty tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thách thức như giá cả nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, dự kiến thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục gây ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm và lợi nhuận của công ty.
Bên cạnh đó, công ty phải tiếp tục cạnh tranh với các đối thủ là các doanh nghiệp tư nhân, đơn vị cá nhân sản xuất rượu nhỏ lẻ trốn thuế. Thêm vào đó, chủ trương chung của Nhà nước về hạn chế sản xuất và tiêu thụ đồ uống có cồn dẫn đến tổng nhu cầu tiêu thụ trên toàn quốc tiếp tục giảm.