Chủ động ứng phó sự cố môi trường

Ngành tài nguyên môi trường ở nhiều địa phương trên cả nước đã ban hành văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần chủ động, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó khi xảy ra sự cố về môi trường.

Điều 121 Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu rõ, việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phải tuân thủ quy trình, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, môi trường. Ứng phó sự cố môi trường thực hiện theo phương châm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ; Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường; Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức ứng phó sự cố môi trường, ứng phó sự cố môi trường phải theo sự phân công, phân cấp, chỉ huy thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố môi trường;

Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư cung cấp dịch vụ ứng phó sự cố môi trường; Việc phòng ngừa sự cố môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải (sau đây gọi chung là sự cố chất thải) được thực hiện theo quy định của Luật này. Việc phòng ngừa sự cố môi trường do hóa chất, phóng xạ, dầu tràn, dịch bệnh và do nguyên nhân khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Các địa phương chủ động phương án ứng phó sự cố môi trường

Tại tỉnh Kon Tum, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn có các hồ chứa chất thải, nước thải hoặc các bãi lưu giữ chôn lấp chất thải rắn hoặc các khu vực chứa hóa chất... phải chủ động rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, đê bao quanh các khu vực trên tại các cơ sở để tiến hành cải tạo, gia cố, đặc biệt là các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao, đảm bảo chắc chắn, không bị sạt lở do mưa bão, lốc, sét và gió giật mạnh gây ra; nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn xả thải; xây dựng phương án, sẵn sàng bố trí các nguồn lực ứng phó sự cố chất thải, ô nhiễm môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải có thể xảy ra khi trời mưa.

00062-1656843501.jpg
Diễn tập ứng phó sự cố môi trường. Ảnh minh hoạ

Các huyện, thành phố bố trí cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật biến động thời tiết bất lợi để chủ động hơn trong công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó sự cố tại các cơ sở. Trong trường hợp có xảy ra sự cố môi trường ở cơ sở kịp thời hướng dẫn cơ sở ứng phó sự cố, đảm bảo hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến môi trường. Rà soát, dự báo thống kê các khu vực trên địa bàn mình quản lý có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường, nhất là tại các lưu vực sông, hồ, các khu vực nuôi trồng thủy sản đã từng xảy ra sự cố môi trường (như cá chết, chất thải từ thượng lưu tràn xuống sông...); trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp quản lý nhằm không để sự cố lặp lại.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở này yêu cầu, chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất có trách nhiệm công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường, gửi kế hoạch ứng phó sự cố môi trường đến UBND cấp xã và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện; cung cấp nội dung kế hoạch cho Ban quản lý các khu công nghiệp – cum công nghiệp đối với các cơ sở sản xuất nằm trong khu công nghiệp – cụm công nghiệp. Các chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất phải chủ động rà soát hệ thống thoát nước mưa bề mặt, các công trình lưu giữ và xử lý chất thải, khu vực lưu giữ hóa chất… để bảo đảm an toàn, không bị ảnh hưởng do mưa; nghiêm túc vận hành các công trình xử lý chất thải; sẵn sàng bố trí nguồn lực ứng phó sự cố do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải có thể xảy ra khi trời mưa.