Kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Cùng với việc triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm trên địa bàn, thời gian qua các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Phước đã đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống quan trắc nước, khí thải tự động đấu nối với trạm điều hành quan trắc đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp, trong đó 7 khu công nghiệp (KCN) có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Các dự án công nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh và của cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp cũng đem lại nhiều hệ lụy về môi trường, trong đó có nước, khí thải.

Trước thực trạng trên, tỉnh Bình Phước chỉ đạo, yêu cầu các khu công nghiệp cần đẩy nhanh việc đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động. Trạm quan trắc lắp đặt tại nhà máy xử lý nước thải của KCN có thể điều khiển từ xa, kết nối với máy tính và điện thoại thông minh để theo dõi các chỉ số, kịp thời phát hiện những chuyển biến xấu từ môi trường nhờ chức năng báo động tự động và liên tục.

Cùng với đó hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động hoạt động đồng bộ, giúp tăng cường năng lực cảnh báo, giám sát quá trình xử lý nước thải của cả KCN. Điều này cũng giúp quản lý nhà máy có giải pháp xử lý tốt các chỉ số trong nước thải trước khi thải ra môi trường.

image-1655168721.jpg
Các khu công nghiệp trên địa bàn phải đảm bảo yêu cầu xử lý nước thải, gửi dữ liệu về Sở TN&MT tỉnh. Ảnh: Ngân Hà

Đến nay, tỉnh cũng đã lắp đặt 5 trạm quan trắc môi trường nước mặt tại khu vực thượng nguồn sông Bé, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, đập Bà Mụ và hồ cấp nước Đồng Xoài. Việc hình thành mạng lưới quan trắc môi trường nước nhằm mục tiêu thống nhất, đồng bộ, kiểm soát các thông số liên quan đến chất lượng nguồn nước, lưu lượng dòng chảy, dự báo nguy cơ và kịp thời có giải pháp xử lý khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm.

Ngoài các trạm quan trắc tự động nước thải, khí thải do các doanh nghiệp lắp đặt, UBND tỉnh đã đầu tư lắp đặt 3 trạm quan trắc môi trường không khí xung quanh ở khu vực trung tâm hành chính thành phố Đồng Xoài, huyện Đồng Phú và huyện Chơn Thành. Đây là những khu vực sản xuất công nghiệp, có mật độ phương tiện giao thông cao nhằm quan sát diễn biến môi trường không khí, mức độ ô nhiễm không khí do hoạt động sản xuất và phương tiện giao thông, nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững giữa 3 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường.

Các thông tin về môi trường được Sở cập nhật liên tục 24/24 giờ. Trường hợp hệ thống cảnh báo các chỉ số vượt quá quy chuẩn, Sở thông báo, yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh, không gây ảnh hưởng đến môi trường. Toàn tỉnh đã có 25 doanh nghiệp đầu tư lắp đặt và truyền dữ liệu quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó có 17 trạm quan trắc nước thải và 14 trạm quan trắc khí thải.

nha-may-xu1-1655168753.jpg
Các thông số từ dữ liệu quan trắc góp phần ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hiệu quả

Với mục tiêu kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động sẽ góp phần kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn tỉnh.  

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, các khu công nghiệp phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài KCN có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày, đêm trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT. 

Theo đó, các đối tượng phải thực hiện quan trắc khí thải tự động gồm các cơ sở có nguồn lưu lượng khí thải lớn thuộc một số loại hình như: Nhiệt điện, sản xuất xi măng, sử dụng lò hơi công nghiệp với sản lượng hơn 20 tấn hơi/giờ, sản xuất hóa chất, phân bón hóa học từ 10 nghìn tấn/năm trở lên…