Chủ động ứng phó bão, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân từ vùng dịch về quê

Tối 10/10, Bộ Giao thông Vận tải đã phát đi công điện khẩn yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với bão số 7 và bão Kompasu đang hình thành đồng thời có kế hoạch hướng dẫn, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân từ vùng dịch về quê.
covid-19-tu-vung-dich-ve-que-an-toan-1633919917.jpg
Chủ động ứng phó bão, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân từ vùng dịch về quê. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Tối 10/10, Bộ Giao thông Vận tải đã phát đi công điện khẩn gửi các đơn vị trực thuộc, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị và các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội. Công điện yêu cầu các đơn vị chủ động ứng phó với bão số 7 và bão Kompasu đang hình thành đồng thời có kế hoạch hướng dẫn, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân từ vùng dịch về quê.

Công điện do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký cho biết, theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay cơn bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn trên diện rộng, đồng thời đã xuất hiện một cơn bão gần Biển Đông (bão Kompasu).

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều nay đến ngày mai (11/10), ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai có nơi trên 200mm.

Ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 80-120mm, có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Đối với cơn bão gần Biển Đông, hồi 13 giờ ngày 10/10/2021, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 128,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và mạnh thêm. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, tiếp tục mạnh thêm và đi vào Biển Đông.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ kéo dài trên diện rộng, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, thanh tra chuyên ngành tăng cường ứng trực đảm bảo giao thông.

Đặc biệt, phải tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người dân đang di chuyển từ các vùng dịch về quê khi đi qua địa bàn quản lý; Hướng dẫn người dân di chuyển đến các vị trí tránh, trú an toàn khi có mưa to gió lớn.

“Các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam phải chỉ đạo các cảng vụ theo dõi diễn biến, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền khi cấp phép rời cảng và các tàu, thuyền khi hành trình biết để điều chỉnh hướng đi phù hợp đảm bảo an toàn. Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh”, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Đối với Sở Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ khu vực, lực lượng chức năng của địa phương đảm bảo giao thông thông suốt và hỗ trợ bảo đảm an toàn cho người dân đang di chuyển từ các vùng dịch về quê đi qua địa bàn quản lý, có phương án bố trí phương tiện, thiết bị để kịp thời hỗ trợ người dân đi qua các khu vực bị ngập lụt.

“Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố cũng cần đề nghị các trạm dừng, nghỉ dọc các tuyến quốc lộ trên địa bàn tạo điều kiện hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân khi có nhu cầu dừng, nghỉ”, công điện nêu rõ.

Ngoài ra,  Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam chỉ đạo hệ thống đài thông tin duyên hải theo dõi, cập nhật, xử lý ngay thông tin và thông báo kịp thời cho thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển về vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới, để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm…/.