Tiết kiệm năng lượng - chiến lược phát triển bền vững các ngành công nghiệp Việt Nam

Bộ Công Thương vừa phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng – Hiệu quả đầu tư”. Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam’’ (Dự án VSUEE) do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ.
toa-dam-dnktx1-1736321487.jpg
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc tọa đàm.

Dự án VSUEE được triển khai từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2026, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm trong ngành công nghiệp. Không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, dự án còn hiện thực hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Giám đốc Dự án, cho biết: “Trong những năm qua, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Năm 2020, Nghị quyết số 55/NQ-BTC ngày 11 tháng 2 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã nêu rõ: tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội".

Dự án VSUEE là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tối ưu hóa sử dụng năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Bà Nguyễn Thị Lâm Giang cũng nhấn mạnh rằng, thông qua các cơ chế tài chính như Quỹ Chia sẻ Rủi ro (RSF) và sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và tổ chức tài chính, Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành công nghiệp.

Tại tọa đàm, Ban Quản lý Dự án đã giới thiệu chi tiết về các hoạt động và mục tiêu của Dự án VSUEE, bao gồm các hỗ trợ kỹ thuật và tài chính dành cho doanh nghiệp công nghiệp và tổ chức tài chính thúc đẩy các dự án TKNL. Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - Đơn vị thực hiện chương trình (PIE) giới thiệu về Quỹ Chia sẻ Rủi ro (RSF), quy trình bảo lãnh và cách thức doanh nghiệp tham gia vào quỹ này để nhận hỗ trợ tài chính cho các dự án TKNL và những lợi ích các tổ chức tín dụng (PFIs) có thể đạt được khi tham gia Dự án.

Quỹ được thành lập để cung cấp giảm thiểu rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính tham gia khi cho vay các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng dưới hình thức phát hành bảo lãnh tín dụng RSF. Cụ thể, khi tham gia Dự án, các PFIs có thể nhận Bảo lãnh RSF lên tới 50% khoản vay cho các dự án đầu tư TKNL do PFIs cấp khoản vay. Ngoài ra, các ngân hàng được đào tạo về thẩm định dự án TKNL, tiếp cận xu hướng công nghệ/xanh và tăng cường khả năng triển khai các dự án quốc tế.

toa-dam-dnktx2-1736321596.png
Ông Dương Chí Công, đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) trình bày các công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ về sáng kiến công nghệ và giải pháp tiên tiến trong ngành công nghiệp hiện nay. Tập trung vào các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm: Các phương pháp tiếp cận tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp nói chung; Các giải pháp đặc thù cho các ngành sản xuất như xi măng, dệt may, nhựa, giấy, thép, rượu bia giải khát và chế biến thủy sản. Những giải pháp này không chỉ góp phần giảm chi phi sản xuất mà còn thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh ngành công nghiệp đang đối mặt với những thách thức về môi trường và năng lượng.

Theo ông Dương Chí Công - Chuyên gia năng lượng, Công ty Cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) đã chia sẻ về sáng kiến công nghệ và giải pháp TKNL tiên tiến trong ngành công nghiệp hiện nay. Nội dung trình bày của ông tập trung vào các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm: Các phương pháp tiếp cận tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp nói chung; Các giải pháp đặc thù cho các ngành sản xuất như xi măng, dệt may, nhựa, giấy, thép, rượu bia giải khát và chế biến thủy sản. Những giải pháp này không chỉ góp phần giảm chi phi sản xuất mà còn thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh ngành công nghiệp đang đối mặt với những thách thức về môi trường và năng lượng.

Trạm thông tin 2 “Con đường tài chính” cung cấp thông tin về các sản phẩm tài chính hỗ trợ các dự án TKNL, bao gồm Quỹ RSF, quy trình tài chính, các sản phẩm vay vốn và các cơ chế bảo lãnh từ các tổ chức tài chính. Doanh nghiệp có cơ hội trao đổi trực tiếp với các tổ chức tài chính để hiểu rõ hơn về các cơ hội tài chính, cũng như cách thức tham gia các dự án TKNL qua các chương trình hỗ trợ tài chính.

Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng - Hiệu quả đầu tư” không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận các giải pháp công nghệ TKNL tiên tiến mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối với các tổ chức tài chính, thúc đẩy đầu tư vào các dự án TKNL. Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới kỳ vọng sự kiện này đóng góp thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp TKNL trong ngành công nghiệp Việt Nam, hướng đến một nền công nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả năng lượng cao hơn theo định hướng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030./.

Tuấn Trần