Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành chuyển đổi phương tiện xanh

Với việc hỗ trợ từ nguồn vốn của thành phố, Hà Nội đã lên lộ trình và đặt mục tiêu sẽ chuyển đổi hoàn toàn xe buýt điện trong năm 2030 đồng thời sẽ sớm xây dựng đơn giá, định mức nhằm đẩy nhanh hiện thực Xanh hóa xe buýt.

Nội dung trên được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vào sáng 8/1.

ha-noi-chuyen-doi-giao-thong-xanh-2-1736325640.jpg
Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vào sáng 8/1. (Ảnh CTV)

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, trong bối cảnh còn đối diện các nguy cơ khó khăn, Phó Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo Transerco cần có giải pháp đồng bộ, rà soát luồng tuyến, cắt giảm bổ sung tuyến buýt, thực hiện chuyển đổi Xanh hóa xe buýt theo đúng lộ trình chậm nhất 2035. Tuy nhiên, Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản đến 2030 hoàn thành chuyển đổi buýt sử dụng năng lượng sạch.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, Thủ đô đang phải đối diện với nguy cơ ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, do vậy khối lượng công việc của Transerco là rất lớn. Đứng trước những khó khăn đó, Transerco cần đổi mới, đột phá, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thành phố giao.

“Thành phố đã yêu cầu Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện buýt điện. Quỹ phải xây dựng bộ hồ sơ, đẩy nhanh thủ tục để có thể giải ngân sớm cho các đơn vị đồng thời giao sở giao thông vận tải và tài chính hoàn thiện các bước để trình Hội đồng Nhân dân trong kỳ họp gần nhất trong năm nay. Tinh thần chuyển đổi xanh là chuyển sang xe buýt điện chứ không dùng khí thiên nhiên”, ông Quyền nhấn mạnh.

ha-noi-chuyen-doi-giao-thong-xanh-1-1736325678.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025 của Tổng công ty Vận tải Hà Nội.(Ảnh CTV)

Ngoài ra, Hà Nội đề nghị sở giao thông vận tải phải có chủ trì, rà soát xây dựng các đơn giá, định mức quy định về xe chạy năng lượng xanh để Transerco thực hiện việc chuyển đổi và có logo màu nhận diện đơn vị buýt.

“Doanh nghiệp buýt cũng nên đăng ký hãng xe là tiêu chuẩn mấy sao để hưởng giá theo dịch vụ cung cấp”, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội gợi mở.

Ông Quyền cũng yêu cầu Transerco rà soát bến bãi tĩnh, động, ngầm, tính toán cơ chế đầu tư và thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thì mới thu hút được đầu tư; ứng dụng công nghệ cần đồng bộ toàn diện để kiểm soát điều tiết lượng xe vào trung tâm; phát triển mở rộng xe du lịch City Tour sang các điểm du lịch của thành phố.

Với sự quyết tâm của Thủ đô nhằm xanh hóa phương tiên giao thông công cộng, vừa qua, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội mới phê duyệt Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh. Theo đó, Hà Nội sẽ có thêm 4 tuyến xe buýt điện từ đầu năm 2025.

Từ đầu năm 2025 hành khách đi xe buýt tuyến Công viên Nghĩa Đô - Mai Động sẽ được trải nghiệm trên những phương tiện mới đó là xe buýt điện. Với tần suất 126 lượt mỗi ngày, đơn vị vận hành tuyến sẽ chuẩn bị 17 xe bus điện, trong đó số xe hoạt động thường xuyên trên tuyến là 14 xe.

ha-noi-chuyen-doi-giao-thong-xanh-4-1736325615.jpg
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu cơ bản đến 2030 hoàn thành chuyển đổi buýt sử dụng năng lượng sạch. (Ảnh minh họa)

Ngoài tuyến này 3 tuyến buýt khác có lộ trình Mai Động Đại học Tài Nguyên và Môi Trường Hà Nội, Long Biên - Bát Tràng và Đông Anh - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng được Hà Nội chuyển đổi sang sử dụng xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Ngoài ra, trong năm 2025, các tuyến bus hết hạn thầu cũng sẽ thực hiện chuyển đổi các phương tiện cỡ lớn chạy bằng dầu diesel sang xe buýt điện cỡ lớn.

Từ năm 2026 đến 2030, hơn 1.800 phương tiện hết thời gian khấu hao sẽ các đơn vị thực hiện thay thế bằng phương tiện sử dụng năng lượng xanh. Đây là cơ sở để Hà Nội hoàn thành mục tiêu mục tiêu đến năm 2030, xe buýt trên địa bàn thủ đô sẽ cơ bànr ược thay tế bằng xe bus sử dụng điện, năng lượng xanh./.

Bình Châu