Diễn đàn VESF 2025: Đóng góp những sáng kiến và giải pháp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn

Dự và phát biểu tại Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17, Phiên toàn thể mùa Xuân 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mong muốn Diễn đàn sẽ đóng góp nhiều sáng kiến để Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng hai con số như mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam (VESF) được tổ chức ngày 7/1/2025. Diễn đàn VESF 2025 là diễn đàn đầu tiên của năm 2025 đề cập và bàn thảo về Kịch bản một giai đoạn phát triển kinh tế Việt Nam (2025 -2030), một bước chuyển mình mới, nấc thang mới thể hiện tinh thần vươn mình, nỗ lực vượt bậc nhằm đạt được mức tăng trưởng đột phá và phát triển bền vững.

dien-dan-kinh-te-3-1736258100.jpg
Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17 có chủ đề “Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới". (Ảnh CTV)

Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá được Đại hội XIII của Đảng đề ra

Thông tin về một số thành tựu của năm 2024, Phó Thủ tướng cho biết 15/15 chỉ tiêu đặt ra đều hoàn thành, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế khoảng 476,3 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới; chỉ số CPI tăng 3,63% so với năm trước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 800 tỷ USD, xuất siêu 24,77 tỷ USD. Thu ngân sách tăng 19,8% so với dự toán, đạt hơn 2 triệu tỷ đồng (tăng 336,5 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,95%...

Phó Thủ tướng cảm ơn các doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý nhiều năm qua đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước; kỳ vọng thời gian tới nhận được những đóng góp quý báu và thực chất của các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý trong xây dựng đất nước, xây dựng nền kinh tế Việt Nam phát triển bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, hùng cường.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đang tập trung thực hiện 3 giải pháp đột phá được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là hoàn thiện thể chế, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Về hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng cho biết thời gian qua, đặc biệt là những tháng cuối năm 2024, đã hoàn thiện sửa đổi một số luật, 1 luật sửa 4 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu), 1 luật sửa 7 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia) để tháo gỡ “điểm nghẽn," phát huy nguồn lực. Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo bước đột phá lớn hơn, mạnh hơn.

dien-dan-kinh-te-1-1736258165.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17. (Ảnh CTV)

Về phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ đã dồn nguồn lực để đầu tư. Năm 2025, bố trí nguồn vốn đầu tư công khoảng 800.000 tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào các công trình trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, chuẩn bị triển khai các dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam (khởi công năm 2027), các tuyến đường sắt cao tốc từ Trung Quốc nối về Hạ Long, Hải Phòng, Hà Nội…

Không những tập trung vào cơ sở hạ tầng về đường sá, bến cảng, mà còn phát triển cơ sở hạ tầng về điện (điện hạt nhân, năng lượng tái tạo), khu công nghiệp, khu kinh tế…

Mong các đại biểu nhấn mạnh hơn, luận giải rõ hơn những yếu tố mới thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, Phó Thủ tướng nêu rõ trong 3 đột phá, có đột phá về nguồn nhân lực. Thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đang tập trung những giải pháp thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ nhất, sát hợp nhất, theo kịp với nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới.

"Trong 3 đột phá đó, sẽ có hàm lượng đột phá về khoa học công nghệ. Liên quan đến làm chủ công nghệ là phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đột phá về mặt công nghệ là phải có chuyển giao công nghệ. Cần làm sâu sắc hơn vấn đề công nghệ và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ. Đây là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất của tăng trưởng trong thời gian tới," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ như làm thế nào để tăng trưởng chất lượng cao nhất, mạnh mẽ, bền vững nhất. Chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế số, cần làm rõ nội hàm, thúc đẩy vào yếu tố nào để đạt được nền kinh tế xanh, kinh tế số.

Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Trong phát biểu đề dẫn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho biết cả nước ta đang nỗ lực, khẩn trương, quyết tâm cao độ để hoàn thành toàn diện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và duy trì trong 5-10 năm tới để hiện thực hóa hai mục tiêu chiến lược, đó là đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, văn minh và hạnh phúc.

Với mục tiêu đó, hiện chúng ta đang cùng lúc thực hiện hai cuộc cách mạng, đó là cuộc cách mạng về sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị và cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo bước chuyển mang tính đột phá trong nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ và năng suất, chất lượng chung của nền kinh tế, để đuổi kịp, tiến cùng các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, bối cảnh thế giới và khu vực đã và đang tiếp tục được dự báo có nhiều diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn và khó đoán định hơn.

Những yếu tố đó cùng với yêu cầu vừa bảo đảm khắc phục được những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài trong nhiều năm, vừa phải giải quyết những vấn đề đột xuất phát sinh để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và duy trì với tốc độ cao, đáp ứng được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn đang đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần có giải pháp xử lý, tháo gỡ. Diễn đàn hôm nay là cơ hội tốt để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm câu trả lời cho những vấn đề đó.

Ban Kinh tế Trung ương cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án về các giải pháp chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để báo cáo Bộ Chính trị xem xét trong quý 3/2025. Diễn đàn này cũng là nơi để lắng nghe, từ đó kết nối với các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan có liên quan để xây dựng đề án quan trọng này một cách khẩn trương và có chất lượng tốt.

dien-dan-kinh-te-4-1736258317.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17. (Ảnh CTV)

Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17 có chủ đề “Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới".

Với hai phiên tham luận và thảo luận, tại Diễn đàn, các chuyên gia, nhà kinh tế, nhà quản lý đã trao đổi về tình hình kinh tế thế giới và khu vực năm 2025, những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; các giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững…

Tại diễn đàn, PGS.TS Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - nhận định, Việt Nam xác định khoa học công nghệ (KHCN) là động lực quan trọng để phát triển nguồn lực sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời khoa học công nghệ cũng là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực mới nhất là kinh tế số, xã hội số…

Thực tế, pháp luật trong lĩnh vực KHCN liên quan đến mọi khía cạnh quản trị, quản lý, đời sống xã hội… do đó cần phải rà soát, kiến nghị, sửa đổi bổ sung để đồng bộ các quy định liên quan, không chỉ liên quan đến pháp luật KHCN, chuyển đổi số mà còn có pháp luật về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, tài chính, ngân sách, nguồn nhân lực…

"Ngoài ra, việc xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm là rào cản, cản trợ sự phát triển là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với những người hoạch định chính sách. Do đó, cần nhận diện đúng, đầy đủ các điểm nghẽn, rào cản về nhận thức, việc tôn trọng tính đặc thù của các hoạt động nghiên cứu KHCN, nhất là các nghiên cứu cơ bản tiến tới tự chủ công nghệ lõi, công nghệ số…

Việc giải mã và làm rõ nội hàm về thể chế, đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh cũng vô cùng quan trọng. Bước đầu không chỉ hướng đến những con số, mức độ quy định ưu đãi mà quan trọng hơn là yêu cầu về chính sách pháp luật luôn ổn định tạo niềm tin, điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp..." - PGS.TS Lê Quang Huy cho biết.

Theo PGS.TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng, Chính phủ cần đồng hành với các doanh nghiệp ở 3 khía cạnh bao gồm: Việc xóa bỏ rào cản khó khăn, phức tạp về thủ tục hành chính; cần có những ưu đãi, hỗ trợ chính sách về tài chính, thuế, nhà đất...

"Đặc biệt, cần tạo môi trường cạnh tranh, sức ép để các doanh nghiệp buộc phải vượt qua những khó khăn, thách thức" - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy kiến nghị./.

Bình Châu