Chuyên gia nhìn nhận thế nào về việc Chính phủ thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS?

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, động thái nêu trên của Chính phủ thể hiện quyết tâm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời điểm thị trường BĐS trên cả nước có biểu hiện rơi vào suy thoái sau một thời gian tăng trưởng rất nóng.

Trong buổi họp của Hiệp hội BĐS TP.HCM với Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng có thể rơi vào suy thoái.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, thể hiện qua việc một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại như thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO).

dat-16484599717711381380968-1668694982.jpg
(Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Sau buổi họp, chiều qua (17/11), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Tổ công tác gồm 8 thành viên, gồm: Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ trưởng; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổ phó; ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ phó; ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính; ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

img-20221117-210419-1668695198.jpg
Quyết định số 1435/QĐ-TTg về việc thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản.

Tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.

Tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tổ công tác có thể yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương; kiến nghị giải pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại một số tỉnh, thành phố.

Mời lãnh đạo các cơ quan trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Xây dựng sẽ thành lập nhóm giúp việc của Tổ công tác. Các bộ ngành, cơ quan liên quan có trách nhiệm cử thành viên tham gia Nhóm giúp việc tổ công tác theo đề nghị của Bộ Xây dựng.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, động thái nêu trên của Chính phủ thể hiện quyết tâm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn trong thời điểm thị trường BĐS trên cả nước có biểu hiện rơi vào suy thoái sau một thời gian tăng trưởng rất nóng, đáp ứng nhu cầu cấp bách, chính đáng của những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực và mong muốn đóng góp vào bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế những dự án góp phần thay đổi cuộc sống của cộng đồng cả một vùng.

Luật sư Nguyễn Văn Cân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng trong bối cảnh các tổ chức tín dụng siết chặt kênh vay vốn (bằng cách tăng lãi suất, giảm room, tín dụng - pv) đối với các dự án BĐS trên cả nước. Các kênh huy động vốn khác như trái phiếu, cổ phiếu cũng không mấy khả quan sau một loạt sai phạm của FLC, Tân Hoàn Minh, Vạn Thịnh Phát... thì đây là một tín hiệu mà tôi cho rằng rất kịp thời của Chính phủ trong thời điểm này. Hy vọng nó sẽ là chìa khoá mở ra cánh cửa tháo gỡ tất cả các vướng mắc hiện nay trong lĩnh vực BĐS.

Khánh Ngân