Trong thư gửi cho Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen cho rằng, dữ liệu mới về biên lai thuế đã buộc Bộ Tài chính phải đánh giá lại thời điểm đáp ứng tất cả các nghĩa vụ nợ của chính phủ. Theo đó, nếu Quốc hội Mỹ không thông qua việc tăng giới hạn nợ sớm, nước Mỹ có thể tiến tới tình trạng vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 01/6. “Tôi đã yêu cầu Quốc hội tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ. Kể từ năm 1789, Mỹ luôn thanh toán các hóa đơn đúng hạn và chúng ta phải tiếp tục làm như vậy. Theo đánh giá của tôi và của các nhà kinh tế, việc vỡ nợ đối với khoản nợ của chúng ta sẽ gây ra một thảm họa kinh tế và tài chính”, bà Yellen nói.
Nền kinh tế đầu tàu thế giới đã chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD hồi tháng 1. Bộ Tài chính nước này đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu mức trần nợ không được nâng lên, Chính phủ có nguy cơ không thực hiện được các khoản thanh toán. Theo Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Mỹ sẽ vỡ nợ vào tháng 6 nếu Quốc hội không đưa ra bất cứ hành động nào.
Trong khi các nghị sĩ Mỹ vẫn đang tranh cãi về việc nâng trần nợ công. Trước tình hình này, Tổng thống Joe Biden đã có những bước đi nhằm ngăn nước Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ công.
Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã triệu tập 4 nhà lãnh đạo hàng đầu Nghị viện, bao gồm nhà lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer, lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Lãnh đạo Đảng Dân chủ Hạ viện Hakeem Jeffries, tới Nhà Trắng để tham dự cuộc họp ngày 09/5 tới đây về giới hạn nợ.
Nếu nước Mỹ không trả được nợ, hàng loạt người sẽ mất việc làm, đẩy các khoản thanh toán hộ gia đình rơi vào bế tắc... Các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và chính phủ có thể sẽ không còn có thể cấp các khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân và người cao niên sống dựa vào an sinh xã hội.
“Trong hơn 200 năm qua, nước Mỹ chưa bao giờ không trả được nợ. Nói một cách dễ hiểu, Mỹ không phải là một quốc gia bế tắc. Chúng ta cần thanh toán các hóa đơn của mình và chúng ta nên làm như vậy mà không “bắt giữ con tin một cách liều lĩnh” từ một số đảng viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Nợ quốc gia của chúng ta đã mất hơn 200 năm để tích lũy. Đó là những gì chúng ta đang trả. Chúng ta không trả cho những gì chúng ta đang chi tiêu ngay bây giờ. 200 năm qua là 200 năm nợ. Việc đe dọa vỡ nợ bây giờ là sự vô trách nhiệm hoàn toàn, sẽ dẫn đến lãi suất cao hơn, lãi suất thẻ tín dụng cao hơn, lãi suất thế chấp sẽ tăng vọt. Người lao động, tầng lớp trung lưu và người già sẽ phải trả giá”, Tổng thống Mỹ Joe Biden giải thích.
Trước đó, vào năm 2011, một cuộc chiến trần nợ tương tự đã đưa nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ và khiến xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước bị hạ bậc. Lần này, các cuộc đàm phán có thể còn khó khăn hơn. Đảng Cộng hòa, hiện kiểm soát Hạ viện Mỹ, cho biết sẽ sử dụng trần nợ công để buộc đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Joe Bieden phải nhượng bộ và cắt giảm các khoản chi của chính phủ. Theo Chủ tịch Hạ viện, ông Kevin McCarthy đã đến lúc chính phủ Mỹ phải thay đổi cách thức chi tiêu./.