“Chính cối”, trọn đời vì sự nghiệp bóng đá Việt Nam

Lịch sử bóng đá Việt Nam, không thể quên cái tên Lê Khắc Chính, vang danh một thời với biệt hiệu “Chính cối” - trung vệ lừng danh những năm 70 đến những năm 90 của thế kỷ trước. Lê Khắc Chính cùng thời với các cựu danh thủ: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Nguyễn Minh Điểm, Hoàng Gia…
the-thao-dnktx2-1711336943.jpg
Cầu thủ huấn luyện viên bóng đá Lê Khắc Chính.

Ngại đối mặt nhất chính là “Chính cối”

Nhắc đến Lê Khắc Chính cái tên từng là nỗi kiếp đảm của đối thủ trên sân cỏ một thời. Nổi danh là vậy, nhưng sự nghiệp bóng đá của ông lại lận đận, cũng bởi tính cách – sống trọng tình.

Thời đỉnh cao phong độ, ông luôn khiến các tiền đạo đối phương bị ám ảnh, dè chừng bởi lối chơi đầy dũng mãnh, quyết liệt. Ngay cả đến chân sút lừng danh bậc nhất của bóng đá Việt Nam một thời là Cao Cường (Thể Công) cũng từng thẳng thắn thừa nhận Cường “ngại” đối mặt nhất chính là “Chính cối”.

“Chính cối” từng khoác áo đội tuyển quốc gia 17 năm, ông được giao trách đeo băng đội trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam chinh chiến nhiều trận quốc tế đỉnh cao. Năm 1993, đội trưởng “Chính cối” đang tập trung đội tuyển tham dự SEA Games 17 tại Singapore thì gia đình ông có sự cố. Do vậy, ông gác lại, về chăm lo cho gia đình. Năm 1994, ông quyết định treo giày, đi học đại học Thể dục Thể thao rồi chuyển sang công tác huấn luyện tuyến trẻ của Đường sắt Việt Nam.

Người đam mê bóng đá cuồng nhiệt

Vừa cầm mảnh bằng huấn luyện viên chưa ráo mực, đội bóng đá Đường sắt Việt Nam giải thể (đầu năm 2000), chuyển giao phiên hiệu lại cho Ngân hàng ACB (đổi thành ACB Hà Nội), rồi ít lâu sau (đầu 2004), “Chính cối” lại theo bầu Nguyễn Đức Kiên rời đội bóng ấy (ACB.HN chuyển giao cho Hòa Phát HN- PV) để tiếp nhận lại đội Hàng không Việt Nam để đổi thành LG Hà Nội ACB.

Khi bóng đá Việt Nam manh nha lên chuyên nghiệp, bầu Kiên là người tiên phong bỏ tiền làm bóng đá, người mà ông bầu tin tưởng, giao quyền không ai khác là “Chính cối”. Bầu Kiên nắm được “điểm yếu” của Lê Khắc Chính là người đam mê bóng đá đến cuồng nhiệt, không đòi hỏi tiền bạc như một số huấn luyện viên khác. Vả lại, “Chính cối” có một dàn học trò đang ở thời kỳ đỉnh cao, đang hừng hực sức trẻ, sẵn sàng đá hết mình vì thầy.

the-thao-dnktx-1711337352.jpg
PV Doanh nghiệp Kinh tế xanh mạn đàm với cầu thủ, HLV bóng đá Lê Khắc Chính, vang danh một thời.

Trong khi nhiều huấn luyện viên đăng đàn, giỏi nói về lý tưởng, ngộ nhận về mình thì huấn luyện viên Lê Khắc Chính vẫn lặng lẽ như con ong chăm chỉ, cần mẫn hướng dẫn học trò chi tiết về kỹ thuật - chiến thuật và lối chơi trong từng trận đấu. Dưới thời ông còn làm huấn luyện viên trưởng, nhiều cầu thủ được ông đào tạo nổi danh trong nước và quốc tế như: Lê Công Vinh, Thành Lương… được nhiều nơi chào mời với mức lương hấp dẫn.

Nhưng họ không nỡ xa ông, vẫn chấp nhận tiếp tục gắn bó với Hà Nội ACB. Nhờ đó, với vai trò nhà cầm quân, có sẵn trong tay một dàn cầu thủ - học trò hùng mạnh, ông đã dẫn dắt toàn đội lên ngôi vương của giải vô địch cúp quốc gia, năm 2008.

Nhận mọi khuyết điểm về mình

Khi nhiều đại gia mạnh tay rút hầu bao, lao vào làm bóng đá thì bầu Kiên vẫn bình chân như vại. Những cầu thủ dưới trướng của ông có thể nhịn ăn, nhịn mặc, nhưng không thể để tuổi xuân, tuổi nghề “quần đùi, áo số” trôi qua nên hoang mang…

Nhiều trận, họ gần như “không chịu đá”, dẫn đến kết quả thảm hại. Huấn luyện viên “Chính cối”, chấp nhận lui về đảm trách vị trí giám đốc điều hành, một chức vị hữu danh vô thực ở Hà Nội ACB. Buồn, chán khi không được dẫn dắt toàn đội, đã 3 lần “Chính cối” nộp đơn xin nghỉ, nhưng bầu Kiên thừa khôn ngoan để hiểu, nếu không có ông, Hà Nội ACB sẽ biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.

the-thao-dnktx3-1711337513.jpg
Khắc tinh "Chính cối" khiến nhiều đối thủ nổi danh phải dè chừng trên sân cỏ.

Lê Khắc Chính là người sống trọng tình, nghĩa hiệp nên thẳng tính là vậy nhưng khi đưa ra những quyết định quan trọng, “quyền lợi” cho cá nhân mình thì lại do dự. Vả lại, đội bóng đang bê bết, ông không nỡ bỏ đi, mong muốn vực lại, tiếp tục vượt qua cuộc hành trình đầy khó khăn với hy vọng một ngày không xa, mọi thứ sẽ thay đổi.

Khi câu lạc bộ đang trở lại thời đỉnh cao phong độ thì năm 2012 thì bầu Kiên bị “dính chàm”, tương lai của cả một tập thể không biết đi đâu về đâu. Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội và trẻ Hà Nội đã có công văn gửi lên VFF hồi đáp về vấn đề tìm kiếm được người tạm thời thay thế cho bầu Kiên, sau khi tổ chức này yêu cầu hai đội bóng phải có người đại diện nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh.

Người được tin tưởng giao phó trọng trách tạm thời thay thế cho bầu Kiên trong việc quản lý, điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh lại là Giám đốc điều hành Lê Khắc Chính.

Khi chúng tôi gợi lại chuyện này, ông bảo, với chức danh nắm giữ, “quyền lực” sánh ngang với những ông bầu đang cầm quân. Hỏi ra mới biết, công việc chính của ông là quản lý sân bãi, giải quyết những tồn đọng còn sót lại thời “hậu bầu Kiên”.

Sau hai năm kiên nhẫn đợi chờ, “Chính cối” mới gặp lại bầu Kiên, để quyết định tương lai của mình. Bầu Kiên có nhắn nhủ với ông, nếu vợ ông (Bầu Kiên) không khôi phục lại thì đời con sẽ có trách nhiệm thực hiện điều đó. Bầu Kiên nhắc đến những chiến hữu của mình khi có thời gian họ cùng ngồi lại với nhau để bàn các phương án làm bóng đá mạnh lên. Họ đều mong ước một ngày không xa được thấy bóng đá Việt Nam tham dự đấu trường World Cup danh giá…

“Chính cối” – người đã dành hơn 50 năm cho sự nghiệp bóng đá Việt Nam lại một lần nữa hoang mang, tiến thoái lưỡng nan, “đi cũng dở, ở cũng không xong”. Do vậy, “Chính cối” đành chấp nhận, ngày ngày đến sân, bồi hồi nhớ lại những ngày tháng vinh quang trên sân cỏ, tiếng gào thét đám của mình với học trò đến lạc cả giọng giữa hàng ngàn cổ động viên cuồng nhiệt.

Nhắc đến ông nhiều học trò vừa sợ vừa quý cái uy danh của huấn luyện viên “Chính cối”. Họ sợ ông bởi sự ngang tàng, tính kỷ luật cao, cầu toàn trong việc “đá thực” trên sân cỏ. Họ quý ông bởi tính thương người, yêu học trò.

Điều mà “Chính cối” hạnh phúc nhất dường như đã khơi dậy ngọn lửa tình yêu bóng đá cho cậu con trai duy nhất của mình, danh thủ quốc gia Lê Đức Tuấn, từng làm quyền Huấn luyện viên trưởng, hiện là trợ lý cho đội tuyển bóng đá T&T Hà Nội./.

Lê Trần