
Sau khi nhận được báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bố Trạch về tình hình châu chấu phá hại trên cây luồng trồng lấy măng ở thị trấn Nông trường Việt Trung. Ngày 6/6, Sở Nông nghiệp - Môi trường Quảng Bình phối hợp với Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật vùng Khu IV đã đến kiểm tra hiện trường để hướng dẫn người dân cách phòng trừ.
Qua nắm bắt và tìm hiểu từ các hộ gia đình, đây là lần đầu tiên thấy châu chấu phá hoại cây luồng của người dân. Để xử lý châu chấu phá hoại mùa màng của người dân, Sở Nông nghiệp - Môi trường đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn địa phương và người dân cách giải quyết nhằm bảo đảm sản xuất.
Theo cơ quan chuyên môn, trong thời điểm hiện tại cách phòng trừ là dùng biện pháp thủ công, như: Sử dụng vợt bắt cho gia cầm ăn, ngâm ủ thành phân hữu cơ hoặc đem tiêu hủy. Hoặc có thể thiết kế các loại bẫy đơn giản như túi nilon lớn mở miệng, dùng đèn vào ban đêm hoặc mồi nhử để dụ châu chấu bay vào rồi đóng miệng túi lại. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại thuốc có các hoạt chất Imidacloprid, Emamectin Bezoate + Lufenuron, Nereistoxin để tiêu diệt.
Ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Môi trường chia sẻ: Chấu chấu thường đẻ trứng từ tháng 9 - 11 hàng năm; trứng ngủ đông trong đất suốt từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, đến khoảng tháng 3 - 4 thì nở thành châu chấu non. Vì vậy, từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau là thời điểm tốt nhất để diệt trừ ổ châu chấu non. Người dân sử dụng các biện pháp, như: Xới đất, cày nông lớp mặt ở nơi nghi có ổ trứng; khuyến khích gà, vịt ăn trứng trong đất; ở ven khe, suối nên xới phá ổ trứng, thu gom tiêu hủy hoặc thả gà ăn trứng… Từ tháng 3 - 4 năm sau, người dân nên theo dõi vùng phát sinh châu chấu non nếu mật độ cao, có thể dùng bẫy dính, vợt bắt và phun thuốc hóa học để phòng trừ.