
Tình trạng châu chấu từng xuất hiện tại địa bàn huyện Bố Trạch từ năm 2024, tuy nhiên, thời điểm đó diện tích bị ảnh hưởng ít. Nhưng trong vòng một tháng trở lại đây, châu chấu tập trung phá hoại, ăn lá luồng rất nhiều. Bà con trồng luồng đã tự mua thuốc về phun nhưng số châu chấu chết không đáng kể, do cây luồng cao, không thể phun thuốc triệt để được.
Người dân nơi đây đang rất lo lắng trước cảnh những cây luồng thẳng tắp, xanh tốt, giờ chỉ còn trơ lại mỗi cành. Hàng nghìn con châu chấu đậu chi chít trên cây, sau khi ăn hết lá ở khu vực này lại di chuyển sang khu vực khác phá hoại với tốc độ khá nhanh. Theo quan sát, tính toán của người dân nơi đây, cứ 2 ngày, đàn châu chấu sẽ ăn hết lá 1ha cây luồng.

Ông Nguyễn Văn Minh (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) cho biết: Gia đình tôi trồng khoảng 400 gốc luồng (2ha). Nạn châu chấu phá hoại bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái nhưng với số lượng ít và diện tích cây luồng bị ăn lá không đáng kể. Cây luồng là loại cây lấy măng, mang lại nguồn thu nhập chính cho đa số người dân trong vùng chúng tôi. Hiện nay, trước nạn châu chấu ăn hết lá, măng luồng mọc lên đa phần bị cứng lại, không phát triển được, ảnh hưởng đến năng suất. Bình thường, với 400 gốc luồng, cứ khoảng 3 ngày đi hái một lần, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 2 tạ măng, nhưng hiện nay, 6 - 7 ngày mới lấy được 14kg.
Bà Nguyễn Thị Chương (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) lo lắng: Gia đình tôi trồng luồng lấy măng đã 17 năm nay, hiện nay, tôi có khoảng 80 gốc luồng. Măng luồng là nguồn thu nhập chính của chúng tôi nhưng với tình trạng châu chấu phá hoại như hiện nay khiến cây măng không phát triển được. Bà con trồng măng chúng tôi mong chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng quan tâm, kịp thời hướng dẫn, có giải pháp hỗ trợ người dân diệt châu chấu.

Tổ dân phố Chiến Thắng hiện trồng khoảng 20ha luồng, với 21 hộ tham gia. Thu nhập mỗi năm từ việc hái măng đạt khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha (tương đương với khoảng 200 gốc luồng). Măng thu hoạch quanh năm, sản lượng tập trung nhiều nhất là từ tháng 3 - 10. Tuy nhiên, trước nạn châu chấu phá luồng hiện nay, người dân trồng luồng vô cùng lo lắng bởi nguồn thu nhập chính đang bị ảnh hưởng.
Ông Hoàng Minh Trung - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung cho biết: Đây là lần đầu tiên trên địa bàn thị trấn xảy ra tình trạng châu chấu phá hoại trên diện tích cây trồng lớn nên bà con chưa có kinh nghiệm xử lý. Sau khi nắm bắt thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đã đến kiểm tra tình hình thực tế tại rừng luồng. Hiện, đã có 7/20ha diện tích cây luồng bị châu chấu ăn hết lá. UBND thị trấn sẽ làm văn bản gửi Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bố Trạch và các cơ quan chuyên môn kiểm tra, kịp thời hướng dẫn bà con cách xử lý.

Theo nhận định của lãnh đạo UBND thị trấn Nông trường Việt Trung và người dân, với diện tích cây luồng đã bị châu chấu phá hoại như hiện nay thì xác định mùa măng này bà con cơ bản mất mùa. Tuy nhiên, hy vọng sau khi tìm được hướng xử lý thích hợp, những mùa măng tiếp theo bà con sẽ được chủ động hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là nạn châu chấu phá hoại, nhằm bảo đảm năng suất, sản lượng cây trồng.
Người dân trồng muồng hi vọng cơ quan chuyên môn sớm tìm ra giải pháp để xử lý sớm, dứt điểm tình trạng châu chấu phá hoại cây trồng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Châu chấu có tên khoa học là Caelifera, là một loài công trùng, nằm trong phân bộ chứa các côn trùng ăn lá, thuộc bộ cánh thẳng, đầu tròn, thân mập, nhảy giỏi và đặc biệt ăn hại cây xanh. Khi di chuyển, chúng có thể bò bằng cả 3 đôi chân trên cây, nhảy từ cây này sang cây khác bằng đôi chân sau hoặc nhảy rồi bay lên không trung bằng cánh.