Chân dung một trí thức trong chiến tranh và xây dựng đất nước

Phó Giáo sư – Bác sĩ Đỗ Doãn Đại là một nhà trí thức sống qua hai thế kỷ, chứng kiến những giai đoạn hết sức quan trọng của đất nước Việt Nam trong lịch sử giành độc lập, kiến thiết, xây dựng và phát triển đất nước.

Bản thân ông đã dấn thân và có những đóng góp ý nghĩa cho đất nước trong cả chặng đường dài, qua những giai đoạn khác nhau, khi thì là một cán bộ Việt minh trẻ đi tuyên truyền đường lối cách mạng, khi là một nhà chính trị, nhà lãnh đạo một tỉnh, khi là nhà kiến trúc sư của cả ngành y tế, khi là người điều hành một bệnh viện trung ương, khi là một nhà khoa học, một bác sĩ cứu người,… Trong bất cứ vai trò nào Phó Giáo sư – Bác sĩ Đỗ Doãn Đại đều thể hiện xuất sắc tâm huyết, năng lực trí tuệ và tầm nhìn của mình.

sach-mai-mai-mau-ao-trang4617-1635340585.jpg
Sách Mãi mãi màu áo trắng

Trong cuốn hồi ký này của ông, ở mỗi câu chuyện, trong mỗi sự việc được kể với giọng điệu giản dị, thành thực, có nhiều trường đoạn như lời tâm sự thủ thỉ, như lời chia sẻ chân tình, hoặc thậm chí là lời ăn năn trăn trở, thì người đọc luôn tìm thấy trong những con chữ mộc mạc, những bài học giá trị, những thông điệp sống hữu ích, và hơn cả, đó là giá trị lịch sử của đời người có nhiều công lao cống hiến cho Tổ quốc, cho cộng đồng. Hồi ức của ông không chỉ cho ta hình dung về toàn bộ cuộc đời phong phú, ý nghĩa của một trí thức trong chiến tranh và xây dựng đất nước, mà còn cho bạn đọc thấy cả lịch sử đất nước ở thế kỷ 20 qua chân dung một người.

Một trong những câu chuyện gây chấn động mạnh, đó là thời kỳ bệnh viện Bạch Mai bị bom Mỹ phá hủy. Sự quả cảm và quyết đoán của người lãnh đạo bệnh viện khi ấy là Phó Giáo sư – Bác sĩ Đỗ Doãn Đại khiến cho người đọc cảm động, đau đớn, day dứt mãi khôn nguôi. Đôi chỗ, hồi ức chân thực của ông buộc tôi phải ngừng đọc để vượt qua cơn choáng váng bởi tình huống thảm khốc mà người làm ngành y tế phải chịu đựng, phải hành động. Đó là cảnh các bác sĩ buộc phải tháo khớp người bị nạn, người tử nạn sập hầm do bom Mỹ, để giải thoát những bệnh nhân còn bị kẹt phía bên trong. Và còn biết bao những thử thách khó có thể tưởng tượng mà người cán bộ y tế, người chiến sĩ buộc phải vượt qua trong chiến tranh khốc liệt. Điều đó khiến người đọc trăn trở, đến ám ảnh, và tự soi chiếu lại mình trong hôm nay.

Những trải nghiệm ấy, từng bối cảnh ấy, đan chồng lớp với nhau, là một bộ phim tài liệu nhiều chi tiết, đầy ắp câu chuyện khá hiếm hoi được ông chia sẻ, xứng là một nguồn tư liệu quý giá không chỉ cho những người làm ngành y, cho cả ngành y tế, mà cho đông đảo bạn đọc hôm nay và mai sau.

Kiều Bích Hậu