Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến thôn Yên Vinh, xã Xuân Thái vào một buổi chiều gió se lạnh của mùa Đông. Nơi đây, “cụ” Thị với tuổi đời hơn 300 năm vẫn sừng sững giữa làng, trở thành điểm tựa cho bao thế hệ. Dưới tán lá, những chiếc lá vàng úa rơi lả tả, tạo nên một tấm thảm êm ái dưới chân. Khung cảnh ấy gợi lên một cảm giác ấm áp, quây quần. Cũng giống như đồng bào nơi đây, dù cuộc sống có khó khăn, họ vẫn luôn gắn bó với mảnh đất quê hương, tựa như cây thị vững chãi trước mưa gió.
Vừa đặt chân đến đầu làng, chúng tôi đã thấy “cụ” thị cổ thụ sừng sững giữa đất trời. Dưới ánh nắng vàng êm ái, từng chiếc lá của cây khe khẽ rung rinh như đang vẫy chào sự hiện diện của mọi người đến với mảnh đất khô cằn này.
Đang chiêm ngưỡng những vết tích thời gian trên cây Thị, chúng tôi gặp ông Lô Văn Hỏa, một cụ già tóc bạc phơ. Đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào khi kể về “cụ” Thị. Ông đã dành cả cuộc đời để trông coi và bảo vệ cây thị này, xem nó như một người bạn đồng hành.
Thời gian, tuổi tác đã khắc họa lên khuôn mặt nhăn nheo, bào mòn dần ký ức của ông. Nhưng câu chuyện về cây thị đầu làng vẫn in hằn trong trái tim ông, để truyền lại cho thế hệ trẻ những di huấn của tổ tiên. Ông giống như một cây cổ thụ, đang cố vén từng chiếc lá để những ánh sáng yếu ớt của buổi chiều giúp thế hệ cây con quang hợp vươn lên tươi tốt.
Theo mạch cảm xúc, ông Hỏa bắt đầu kể lại cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ xa xưa về quá trình dân di cư lên đây lập nghiệp để từ đó hình thành làng xóm, câu chuyện về cây Thị đã nhiều lần “cưu mang” dân làng vượt qua hoạn nạn.
Theo ông Hỏa, thôn Yên Vinh, trước kia còn có tên gọi khác là xóm Mới. Khoảng 100 năm về trước, một nhóm người dân từ Cẩm Thủy đã vào đây khai hoang sinh sống. Thời bấy giờ rừng núi còn hoang vu, thú giữ nhiều nên người dân rất ít khi ra khỏi nhà vào ban đêm.
Vào một ngày trời mưa to, gió mạnh, quật đổ một số nhà dân. Do không có nơi trú ẩn nên họ đã tìm đến gốc cây Thị, dựng lều trú tạm dưới gốc cây. Nhờ thân cây vững chắc, cùng với những tán lá rộng của cây Thị đã giúp gia đình chỗ ẩn náu tạm. Không những vậy, quả Thị chín thành nguồn thức ăn giúp gia đình họ vượt qua bão tố.
Nhờ sự che chở, “cưu mang” của cây Thị trong lúc hoạn nạn, nên về sau, khi gia làm ăn khấm khá, họ đã lập miếu thờ dưới gốc cây để tỏ lòng biết ơn. Cũng từ đó, cây Thị đã trở thành một thành viên không thể thiếu trong gia đình. Là bóng mát tâm hồn của một làng quê nghèo.
Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển của thôn Yên Vinh, với bao biến cố lịch sử, cây Thị vẫn sừng sững, thách thức với thời gian, chứng kiến biết bao thế hệ con người, từ những đứa trẻ nghèo nhặt thị để ăn ngày nào, thành những ông cụ đầu tóc bạc phơ rồi khuất sau núi. Cây trở thành cầu nối duy nhất giúp dân bản đi từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Những viết sẹo hay lớp vỏ sần sùi của cây như là những chứng tích sống động, chứng kiến sự đổi thay của dân làng.
Với tuổi đời và tầm vóc của cây Thị. Sau khi khảo sát, thẩm định, ngày 4/1/2023, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam đối với cây thị ở thôn Yên Vinh, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh. Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Hội đã gắn bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho cây thị.
Theo hồ sơ, cây thị được xác định có tuổi đời hơn 300 năm, cây có chiều cao 21,5 m, đường kính thân 1,86 m, chu vi gốc cây ở vị trí sát mặt đất là 7,06 m. Dù có tuổi đời hàng trăm năm nhưng cây thị này vẫn sinh trưởng tốt, tán cân đối, hàng năm cây vẫn ra hoa, kết trái và sai quả.
Đối với người dân trong vùng, cây thị không chỉ là cây di sản mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen, sinh thái môi trường, cũng như gắn liền với những giá trị về văn hóa, lịch sử, giá trị về tinh thần, tâm linh của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Được biết, UBND xã Xuân Thái đã có kế hoạch mở tuyến đường du lịch tới địa điểm cây thị ở thôn Yên Vinh, tạo điều kiện cho người dân và du khách tới tham quan. Cùng với hang Lèn Pót, cây thị sẽ góp phần tạo thành điểm đến để địa phương phát triển du lịch. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn nguồn gen, bảo vệ môi trường sinh thái.
Chúng tôi rời xa “cụ” thị hơn 300 tuổi, xa bản nghèo khi màn đêm buông xuống, từng đợt gió mùa đông lạnh giá thổi qua, mang theo hơi ẩm từ biển khơi, khiến không khí trở nên se lạnh. Giống như cây thị, dù đã hơn 300 năm, vẫn kiên cường cắm rễ sâu xuống đất, vươn những cành khẳng khiu giữa tiết trời khắc nghiệt./.