Cây cúc tần và những công dụng chữa bệnh

Cây cúc tần là một cây thuốc nam, chứa rất nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe nên đã được sử dụng như một vị thuốc trong dân gian để điều trị nhiều chứng bệnh.
c-1698116990.jpg
Cây Cúc tần vị được ví von là một loại thuốc bình dân.

Cây cúc tần là loài cây thường mọc dại hoặc được trồng làm bờ rào ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam nhưng ít người biết rằng loài cây này đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, có thể dùng trong điều trị một số bệnh lý như bệnh xương khớp, chữa cảm mạo, phong thấp, bí tiểu… Sau đây, mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu về cây cúc tần cùng những tác dụng, công dụng tuyệt vời mà chúng đem lại.

Cây cúc tần còn có các tên gọi khác là cây từ bi, lức ấn, đại ngài, hoa mai não, băng phiến ngải. Tên khoa học của loài cây này là Pluchea indica (L.) Less., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Nguồn gốc của cây cúc tần mọc hoang là từ Ấn Độ, Malaysia, còn ở Việt Nam cây thường được tìm thấy ở vùng đồng bằng, ven đường và các sườn núi, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình. Hiện nay, loài cây này đã được trồng ở nhiều nơi làm hàng rào, vùng dược liệu bằng cách giâm cành.

Cây cúc tần là cây bụi cao khoảng 1-3 m, phân nhánh, thân tròn, toàn cây có nhiều lông thô nhám và có mùi thơm. Thân cây non có màu xanh, khi già chuyển thành màu nâu tía. Lá đơn, mọc cách, hình bầu dục đầu nhọn, màu xanh lục và thô nhám, hai mặt lá gần giống nhau, mép lá có răng cưa nhọn không đều. Gân lá hình lông chim và nổi rõ ở mặt dưới. Hoa mọc thành cụm ở ngọn các nhánh, đầu có cuống ngắn màu tím. Quả có hình trụ thoi, màu nâu nhạt, thường có 10 cạnh.

Cây cúc tần có thể thu hái quanh năm nhưng thời điểm có chất lượng cao thường là mùa hè. Các bộ phận của cây đều có thể được dùng làm thuốc, bao gồm rễ, cành và lá. Sau khi thu hái, cây cúc tần có thể sử dụng tươi hoặc đem rửa sạch, phơi khô, bảo quản nơi khô thoáng rồi dùng dần. Theo y học cổ truyền, cúc tần có tính ấm, vị đắng, tác dụng vào hai kinh phế và thận. Tán phong hàn, lợi tiểu, tiêu độc, tiêu ứ, tiêu đờm, sát trùng, làm ăn ngon miệng, giúp tiêu hoá tốt; Có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu thũng, cường tim, minh mục, tán uất hỏa; Làm giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tăng nhu động hô hấp, cầm máu, tiêu viêm.

Do đó, cây cúc tần thường được dùng trong điều trị viêm phế quản, đau nhức xương khớp, đau lưng. Trong dân gian, người dân thường sử dụng cây cúc tần để chữa cảm mạo, sốt, tăng cường hệ tiêu hóa, kích thích ăn ngon miệng, cải thiện chứng bí tiểu, tiểu gắt, điều trị các triệu chứng thấp khớp, đau nhức xương khớp, giảm thiểu căng thẳng, mệt mỏi.

Theo các nghiên cứu y học hiện đại, trong toàn cây cúc tần chủ yếu có tinh dầu, mùi thơm, thành phần chính của tinh dầu là borneol, camphor, cineol, limonen, acid palmitic, acid myristic và các sesquiterpen alcol…. Cứ 100g lá cúc tần tươi có 5,7g protit, 1g lipit, 5,1g xenluloza, 179 mg Canxi, 2,3mg P, 0,5mg Fe, 4,6g caroten, 15mg vitamin C. Cúc tần chứa các hoạt chất  stigmasterol và ꞵ-sitosterol có tác dụng trong điều trị đái tháo đường. Hai hoạt chất này nếu được chiết từ rễ cúc tần còn có khả năng trung hòa nọc độc của loài rắn hổ đất Naja kaouthia và rắn hổ bướm Daboia russelii.

Ngoài ra, các nghiên cứu của Y học hiện đại một lần nữa chứng minh loại tinh dầu do lá cúc tần tiết ra khi được pha loãng trong polyethylene glycol có tác dụng kháng khuẩn, tiêu diệt được một số loại nấm và vi khuẩn gây bệnh như Escherichia coli, Staphylococcus aureus, nấm Candida albicans, Microsporum gypseum và Xanthomonas campestris. Bên cạnh đó, cây cúc tần còn giúp tăng khả năng chống viêm nhờ bộ rễ chứa các chất có thể ức chế prostaglandin E2 và carrageenan - đây là 2 tác nhân gây sưng bàn chân và phù khớp.

c2-1698117027.jpg
Bờ rào cúc tần quen thuộc ở nhiều làng quê Việt Nam.

Các bài thuốc chữa bệnh với cây cúc tần

Điều trị cảm mạo, sốt: Lấy 20g cúc tần khô đem đun sôi với nước và dùng uống trong ngày. Bên cạnh đó, người bệnh có thể xông hơi bằng cách đun 1 nắm lá cúc tần tươi cùng 1 nắm lá chanh để giải cảm. Người bệnh cũng có thể sử dụng lá cúc tần cùng với lá hương nhu, lá bàng đem sắc thuốc và uống trong ngày.

Chữa đau nhức, mỏi lưng: Lấy 1 nắm lá cúc tần tươi đem sao với rượu trắng. Sau đó, cho hỗn hợp này ra khăn bọc lại và chườm lên vùng bị đau.

Điều trị thấp khớp, đau nhức xương khớp: Cúc tần, rễ cây bưởi bung, rễ trinh nữ, mỗi vị 20g cùng với cam thảo dây, đinh lăng mỗi vị 10g. Tất cả đem sắc lấy nước uống, dùng liên tục trong 5-7 ngày giúp giảm nhẹ triệu chứng thấp khớp, giảm đau nhức.

Điều trị chứng bí tiểu: Lấy 40g lá cúc tần khô hoặc 100g lá tươi đem đun sôi với nước, để uống hàng ngày.

Giảm căng thẳng, mệt mỏi: Chuẩn bị cúc tần 50g, hoa cúc trắng 50, óc lợn 100g, đu đủ vừa chín tới 100g. Đem các nguyên liệu này đi hầm canh như sau: Cho cúc tần, đu đủ và hoa cúc trắng vào 1 lít nước, đun sôi; Cho óc lợn vào đun thêm 20 phút cho nhừ. Dùng ăn nóng trước bữa cơm chính. Mỗi ngày nên ăn 2 lần, trong vòng 1 tuần sẽ hết căng thẳng, mệt mỏi.

Điều trị viêm phế quản: Lấy 20g cúc tần già rửa sạch, băm nhỏ cùng 3g gừng, thêm 50g thịt nạc và 2 nắm gạo, tất cả đem nấu thành cháo nhuyễn. Dùng ăn mỗi ngày 3 lần, trong vòng 3 ngày.

Tăng cường hệ tiêu hóa: Bạn có thể ăn một nắm lá cúc tần tươi sau mỗi bữa ăn để giúp kích thích hệ tiêu hóa, tăng cường hấp thu.

Liều dùng khuyến cáo cho vị thuốc cúc tần là 10- 20 g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng. Trước khi muốn dùng cây cúc tần hay bất kỳ cây thuốc nào để điều trị các bệnh lý đang mắc phải, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn và biết cách dùng đúng, tránh gây ra tương tác hoặc giảm tác dụng của các thuốc điều trị khác.

Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ nhỏ cần thận trọng khi muốn sử dụng bất kỳ bài thuốc nào, dù là các loài cây quen thuộc. Tốt nhất, bạn không nên tự ý dùng các bài thuốc mà chưa được sự đồng ý từ bác sĩ.

Lê Đức (t/h)