Cần thể chế hóa chính sách mua sắm công xanh?

Để có thể triển khai chính sách mua sắm công xanh vào thực tế, cần có quy định trực tiếp điều chỉnh hoạt động mua sắm công xanh, như bắt buộc và khuyến khích lồng ghép các tiêu chí môi trường vào quá trình mua sắm công để phân tích, đánh giá lựa chọn được đầu tư, lựa chọn nhà thầu tốt nhất.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2015-2020 chiếm khoảng 25,9-30,2% GDP, trong đó chi đầu tư phát triển trung bình khoảng 19,7-30,8% tổng ngân sách nhà nước; tổng gói thầu mua sắm công chiếm trung bình khoảng 12,5% GDP, trong đó giá trị mua sắm thường xuyên từ vốn nhà nước chỉ chiếm trung bình khoảng 27,4% tổng giá thầu và chi cho đầu tư phát triển chiếm tới 72,6%.

Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có các chính sách, quy định về mua sắm công xanh, các chính sách này được đề cập tại Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 11/2021 về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và dự án đầu tư có sử dụng đất; Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia...

tuan-hoan-1665439419.jpg
Cần thể chế hóa chính sách mua sắm công xanh. Ảnh minh họa

Đánh giá về vấn đề này, tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công”, ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban, Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM cho biết: Thị trường mua sắm công xanh ở Việt Nam từng bước được hình thành, các yêu cầu bảo vệ môi trường đã được đề cập trong các hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu đối với nhà đầu tư và nhà thầu. Tuy nhiên, mới nêu ra trong trường hợp có yêu cầu mua sắm bền vững, mà chưa có các tiêu chí cụ thể, cách thức lồng ghép vào các hồ sơ và đánh giá hồ sơ thầu chưa được thể hiện trong hồ sơ yêu cầu sơ tuyển cho đến hồ sơ mời thầu. Các yếu tố liên quan đến đầu vào, phân tích chi phí lợi ích mở rộng (chi phí lợi ích đối với môi trường và khí hậu) chưa được đề cập.

Do đó, để có thể triển khai chính sách mua sắm công xanh vào thực tế, ông Hồ Công Hòa đề xuất, cần có quy định trực tiếp điều chỉnh hoạt động mua sắm công xanh, như bắt buộc và khuyến khích lồng ghép các tiêu chí môi trường vào quá trình mua sắm công để phân tích, đánh giá lựa chọn được đầu tư, lựa chọn nhà thầu (gọi chung là nhà thầu) tốt nhất. Tuy nhiên, để có kết quả tốt nhất trong lựa chọn nhà thầu, cần tổ chức điều tra, đánh giá doanh nghiệp xanh, khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ xanh của thị trường, đặc biệt là khả năng của các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, theo ông Hòa, Chính phủ cần thể chế hóa chính sách mua sắm công xanh, nhằm tạo ra những công cụ chính sách quan trọng để thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử. Cùng với đó, Chính phủ ban hành các chính sách bắt buộc, ưu đãi, khuyến khích và tạo ra sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của doanh nghiệp về sản xuất và tiêu dùng bền vững/xanh; đồng thời, cần có thêm các chương trình, chính sách ưu đãi cho mua sắm công xanh.

Mặt khác, đẩy mạnh sản xuất trong nước, thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm hướng tới xanh và bền vững; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là kinh doanh tuần hoàn.

Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương cần lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh và đặc biệt là các chỉ tiêu về chi tiêu công theo tiêu chuẩn xanh vào lập dự toán ngân sách hàng năm và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm. Đồng thời, tập trung phân tích, đánh giá lợi ích - chi phí tổng thể, có tính tới các yếu tố quan trọng như hiệu quả sử dụng nguồn lực, chi phí môi trường và tính bao trùm trong đề xuất các dự án đầu tư và các dự án cung cấp sản phẩm và dịch vụ công.

Đồng quan điểm, theo TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam là đến năm 2030, tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35% và tăng lên 50% vào năm 2050. Điều đó đòi hỏi, các giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy mua sắm công xanh do vai trò hết sức quan trọng của phân khúc này trong việc hình thành thị trường xanh của Việt Nam.

Mặc dù, trong những năm qua, hệ thống pháp luật quản lý hoạt động mua sắm công đã không ngừng hoàn thiện, như: Luật Ngân sách, Luật Đấu thầu, Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg; tuy nhiên, hiện tại chưa có chính sách, quy định cụ thể về việc tích hợp các yếu tố môi trường trong mua sắm công. Bên cạnh đó là năng lực của cán bộ mua sắm, đấu thầu về mua sắm công xanh còn hạn chế, cũng như thiếu một tài liệu hướng dẫn lồng ghép các tiêu chí bền vững vào quy trình đấu thầu.
Điều 146 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định mua sắm xanh là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật. Ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án đầu tư, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành nền kinh tế xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.
Ngoài ra, Việt Nam đã ban hành và thực hiện một số quy định về tiêu chí và quy trình cấp nhãn sinh thái. Nhãn sinh thái và mua sắm xanh có mối quan hệ khăng khít với nhau; là một trong những biện pháp điều chỉnh mục tiêu sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường của doanh nghiệp và thói quen tiêu dùng của cộng đồng. Việc dán nhãn sinh thái đã được thí điểm thực hiện ở một số sản phẩm. Đây cũng là hoạt động được ghi nhận tạo tiền đề tích cực trong việc tiến tới sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Tuy nhiên, ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần đưa ra khung pháp lý rõ ràng đối với mua sắm công xanh. Đồng thời, cần phải định nghĩa chính xác thế nào là sản phẩm thân thiện môi trường… Từ đó, quy định ưu tiên trong mua sắm công xanh cùng với một hệ thống quản lý hiệu quả. Và để thực hiện, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ đơn giản hóa hệ thống chứng nhận; cơ quan nhà nước đề xuất lập kế hoạch mua sắm công xanh và báo cáo kết quả mua sắm công xanh…
Hương Lan (t/h)