Phát biểu tại Toạ đàm với chủ đề “Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, năm 2022 "là năm mà tính chất khó khăn ở mức khắc nghiệt nhất" đối với DN bất động sản, dù bất động sản là ngành quan trọng bậc nhất trong 21 nhóm ngành của nền kinh tế. Trong đó, khó khăn liên quan đến pháp lý chiếm tỉ lệ đến 70%.
Chủ tịch HoREA dẫn chứng nếu năm 2017, thị trường bất động sản có 42.991 sản phẩm được tung ra thì đến năm 2022 giảm còn hơn 12.100 sản phẩm. Đáng chú ý, tốc độ giảm quy mô trong lĩnh vực bất động sản tăng dần theo từng năm. Nguyên nhân, theo ông Lê Hoàng Châu, là do những vướng mắc pháp lý dẫn đến thiếu dự án trên thị trường. Điều đáng nói, năm 2023, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải chịu áp lực lớn từ các đợt trái phiếu đến hạn, bên cạnh đó là nhu cầu tất toán trước hạn của nhà đầu tư, đây là "khúc cua" mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản.
Không những thế, ông Châu chỉ rõ khó khăn hiện hữu bao trùm khi sắp tới đây ngân hàng ấn định vốn cho vay còn ít hơn nữa. Từ ngày 01/10/2022, theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng điều chỉnh từ 37% xuống 34%. Đến 01/10/2023 sẽ tiếp tục giảm còn 30%...
Do đó, ông Châu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho giãn thêm thời gian, vì nếu tỷ lệ này xuống còn 30% từ 01/10/2023 thì có nghĩa các ngân hàng thương mại sử dụng 100 đồng chỉ còn dùng 30 đồng cho bất động sản. Điều đó có nghĩa, nguồn lực cho vay ngày càng ít đi trong khi các doanh nghiệp đang kiệt quệ. Bên cạnh đó, thời gian qua, khi nhà thầu dừng triển khai dự án, nhiều công nhân đã mất việc, nhiều doanh nghiệp giảm lương 50% nhân sự, giảm lương 80%. Có doanh nghiệp kiếm vay tiền cho nhân sự lương tháng 13 cũng không có. Nếu năm 2023 này, không có giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp nói chung doanh nghiệp bất động sản nói riêng sẽ có kết quả không tốt.
Mặt khác, theo Chủ tịch HoREA, hiện nay tình hình đang rất lo về nguy cơ thôn tính dự án bất động sản. Nên mong NHNN vận dụng Nghị quyết 14 hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
"Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị NHNN xây dựng thông tư riêng trong đó có cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ, vì dòng tiền vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản. Khi dòng tiền luân chuyển có lợi các bên mà khởi đầu là từ các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản. Khi có tiền, dự án được triển khai, người mua có sản phẩm mua thì dòng tiền này sẽ quay lại doanh nghiệp..." Chủ tịch HoREA cho hay.
Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành, phản ánh mặc dù nhà ở xã hội là lĩnh vực bất động sản được khuyến khích đầu tư nhưng DN vẫn không dễ triển khai dự án. Dù Chính phủ đã chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho thị trường bất động sản cũng như có chủ trương phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội trong vài năm tới nhưng chính sách hỗ trợ chưa đến được DN.
Hoặc dù có chính sách hỗ trợ DN nhưng để được hỗ trợ là một con đường rất dài. Thực tế, nếu làm nhà ở xã hội với lợi nhuận khoảng 10%, thời gian triển khai kéo dài đến 5 năm thì lợi nhuận mỗi năm chỉ 2% - rất thấp so với gửi tiết kiệm ngân hàng. "Nếu DN không có nhiều tâm huyết như chúng tôi thì chắc sẽ không làm. Chưa kể, DN làm rồi lại bị thanh tra, kiểm tra liên tục" - ông Nghĩa bày tỏ.
Một thực tế khác được ông Nghĩa phản ánh là chính sách đang chỉ tập trung hỗ trợ người mua mà không hỗ trợ DN, trong khi nếu không có DN đầu tư xây dựng thì sẽ không có dự án. Trong khi ngân hàng thương mại hiện chỉ hỗ trợ lãi suất, vốn ưu đãi cho người vay mua nhà ở xã hội mà không có nguồn tiền nào để DN vay đầu tư nhà ở xã hội. Nếu có 1.000 người đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội thì nhà đâu để mua? Chúng tôi đang phải vay vốn đầu tư nhà ở xã hội với lãi suất 14%/năm và với mức này thì không thể kéo giá nhà ở xã hội giảm.
Đồng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - nhận định để khơi thông dòng vốn cho DN, cần đẩy mạnh cải cách thể chế.
Dẫn phản ánh của DN bất động sản về tỉ lệ vướng mắc đến từ thủ tục hành chính hiện chiếm tỉ lệ đến 70%, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: "Quan trọng hàng đầu lúc này phải là giải quyết vướng mắc về thủ tục hành chính và cải cách thể chế. Cụ thể, phải rà soát, hệ thống lại các chính sách nhằm tái cấu trúc thị trường vốn cho bất động sản và khơi thông nguồn vốn vào thị trường này. Đồng thời, đa dạng hóa các nguồn vốn của hệ thống ngân hàng thương mại gồm trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư... Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, vai trò của nguồn vốn tín dụng vẫn rất quan trọng.