Theo sử sách ghi lại, Cầm Bá Thước là người dân tộc Thái (tên Thái là là Lò Cắm Pán) sinh năm Mậu Ngọ (1858), mất năm Ất Dậu (1895). Ông sinh tại Bản Chiềng Mường Chiềng Ván (Trịnh Vạn) Châu Thường Xuân (nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hoá), thân phụ ông là Cầm Bá Tiếu từng giữ chức quản cơ dưới triều Nguyễn – đời vua Tự Đức.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được cha cho mời thầy về nhà để dạy chữ hán. Nhờ vào học vấn uyên thâm, lại có mối quan hệ tốt với các quan lại người Việt đang trấn nhậm tại quê hương, nên khi lớn lên, Cầm Bá Thước được thay cha trở thành Thổ ty và được triều đình nhà Nguyễn phong chức Bang Tá.
Cuối năm Ất Dậu 1885, quan đại thần Tôn Thất Thuyết và Tả quân đô thống Trần Xuân Soạn được Vua Hàm Nghi phái ra Bắc chỉ đạo phong trào Cần vương chống Pháp. Khi dừng lại tại xứ Thanh để gặp mặt các thủ lĩnh Cần vương trong tỉnh, Cầm Bá Thước được giao chức Tán lý quân vụ châu Thường Xuân.
Sang đầu năm 1886, tại hội nghị Bồng Trung, Cầm Bá Thước được Trần Xuân Soạn - người trực tiếp lãnh đạo phong trào Cần vương ở Thanh Hóa (do Vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết chỉ định) giao trách nhiệm cùng Tống Duy Tân phụ trách sơn phòng Thanh Hóa - tổ chức kháng Pháp ở khu vực miền núi xứ Thanh (theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh).
Cũng theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh, được sự điều động của Trần Xuân Soạn, tháng 2 năm Bính Tuất, Cầm Bá Thước cùng Hà Văn Mao dẫn quân xuống đồng bằng để hỗ trợ việc tấn công vào Hạc Thành do quân Cần vương của ba huyện Nông Cống, Quảng Xương, Đông Sơn làm chủ lực. Cuộc tấn công tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn song đã làm giặc Pháp bị tổn thất một số tướng sĩ, vũ khí và không khỏi hoảng loạn trước tinh thần kháng Pháp mạnh mẽ của Nhân dân ta. Chính vì vậy, sau đó không lâu quân Pháp tại Thanh Hóa đã mở cuộc càn quét nhằm dập tắt phong trào Cần vương.
Ngày 10 tháng 5 năm 1895, quân đội Pháp đem 200 quân từ Trịnh Vạn tấn công vào trung tâm của nghĩa quân. Sau 4 ngày tấn công dồn dập và phải chịu nhiều tổn thất nặng nề, quân giặc vượt qua được 3 phòng tuyến để đánh vào trung tâm của nghĩa quân. Trước thế giặc mạnh, Cầm Bá Thước đã nhanh chóng cùng nghĩa quân rút khỏi nơi khác.
Trải qua nhiều lần vây bắt của Thực dân, nghĩa quân đã bị suy yếu rõ rệt, hầu hết các cứ điểm của nghĩa quân đều bị quân giặc chiếm. Chúng săn lùng tìm bắt Cầm Bá Thước và binh sĩ còn lại.
Đến ngày 13 tháng 5 năm 1895, Cầm Bá Thước cùng vợ con và 12 nghĩa quân thân tín xa vào tay giặc. Kẻ thù không giám công khai hành hình ông giống các lãnh tụ cần Vương khác mà bí mật thủ tiêu. Cầm Bá Thước hy sinh, Phong trào Cần Vương ở Thanh Hoá tan rã – Ngọn lửa yêu nước ở quê hương Quế Ngọc bị dập tắt nằm trong sự thất bại chung của phong trào quần chúng lúc bấy giờ.
Tương truyền, trên đường giải Cầm Bá Thước về đồng bằng, thực dân Pháp đã nhiều lần dụ dỗ, mua chuộc, mang chức tước, bổng lộc ra hòng khiến ông lung lay. Tuy nhiên, người con anh dũng của đất mường Trịnh Vạn lúc bấy giờ đã khẳng khái: “Tao chỉ làm quan với dân tao”.
Và theo lưu truyền dân gian, lý do đền thờ Cầm Bá Thước được lập dựng ngay nơi ngã ba hợp lưu của sông Chu và sông Đặt là bởi, khi Cầm Bá Thước bị dẫn giải về đến đây - tức Cửa Đặt, biết không thể sống sót, ông đã bẻ một cành quế của vùng đất châu Thường Xuân rồi ném xuống đất mà rằng: “Sau này hãy làm miếu thờ ta ở đất này”.
Ở đền thờ của ông có đôi câu đối khẳng định tinh thần chiến đấu, hy sinh cao cả của Cầm Bá Thước là bất tử.
Phiên âm:
“Bất tử đại danh thùy vũ trụ; Như sinh chính khí tạc sơn hà”
Tạm dịch:
Danh thơm chẳng chết bền trời đất; Chính khí luôn còn với núi sông./.