Các hành vi bị nghiêm cấm trong khi tiến hành các hoạt động trên đất

Có rất nhiều các hoạt động của các chủ thể đã và đang làm tổn hại tài nguyên đất như các hoạt động nông nghiệp, hoạt động công nghiệp hay các hoạt động khác.
hinh-2-1449905126-1644797872.jpg
Ảnh minh họa

Do đó, để bảo vệ tài nguyên cũng như kiểm soát suy thoái và ô nhiễm đất, nhà nước đã ban hành nhiều quy định về việc nghiêm cấm các chủ thể tiến hành các hành vi gây ồ nhiễm và thoái hoá đất.

- Đối với các hoạt động nông nghiệp: Các hoạt động nông nghiệp hiện nay đã và đang để lại những hậu quả rất nặng nề cho tài nguyên đất. Việc sử dụng các chế phẩm vi sinh quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần ở hầu khắp các địa phương trong cả nước đã để lại dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật trong đất làm đất bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Mặt khác, do nhu cầu ngày càng tăng của con người về các sản phẩm nông nghiệp dẫn đến tình trạng thâm canh, tăng vụ quá nhiều làm cho đất bị bạc màu liên tục và không thể tái tạo độ màu mỡ được, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cây trồng và gây suy thoái đất.

Do đó, pháp luật đã có rất nhiều quy định nhằm hạn chế sự tác động quá mạnh mẽ của con người, đặc biệt là trong nông nghiệp, vào nguồn tài nguyên này như hạn chế sử dụng phân bón hoá học, các loại hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường đất, nước, làm thoái hoá, biến chất, bạc màu đất, làm suy thoái đa dạng sinh học nông nghiệp...

Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 (như tại Điều 13) còn nghiêm cấm việc sử dụng những biện pháp bảo vệ thực vật có khả năng gây nguy hiểm cho người, cho sinh vật có ích, huỷ hoại môi trường đất và các hệ sinh thái; nghiêm cấm việc đưa những sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép vào buôn bán, sử dụng gây hại cho tài nguyên đất.

- Đối với các hoạt động công nghiệp: Không được hoặc hạn chế phát triển mới các ngành công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ có hại đối với môi trường đất, các ngành công nghiệp hoạt động kém hiệu quả, làm phát sinh nhiều chất thải, gây nguy hại, thoái hoá và ô nhiễm đất.

- Đối với các hoạt động khác: Nhà nước nghiêm cấm hành vi lấn chiếm đất đai, không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. Những hành vi này đều tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái đất.

Đặc biệt, pháp luật về đất nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung đều quy định việc nghiêm cấm mọi hành vi làm huỷ hoại đất. Huỷ hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, gây ô nhiễm đất; làm mất hoặc làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Mọi hành vi cố ý huỷ hoại đất - nếu là người được nhà nước giao đất - đều sẽ bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014, các tổ chức, cá nhân không được phép chôn lấp, thải vào đất các chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác chưa được Xử lý để đạt tiêu chuẩn môi trường cho phép (khoản 4, 5 Điều 7). Nhà nước cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lí và bảo vệ tài nguyên đất.

Trong trường hợp Nhà nước đã giao đất cho các chủ thể sử dụng đất nhưng họ không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền (đối với đất trồng cây hàng năm), 18 tháng liền (đối với đất trồng cây lâu năm), 24 tháng liền (đối với đất trồng rừng) thì đất đó có thể bị thu hồi.

Đây là những trường hợp giao đất cho các chủ thể sử dụng vào các mục đích bảo vệ tài nguyên đất, tăng độ che phủ cho đất nhưng nếu trong thời gian dài mà các chủ thể không tiến hành hoạt động theo phương án đã được duyệt thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định này nhằm buộc các chủ thể phải có trách nhiệm bồi bổ, tôn tạo và phát triển tài nguyên đất./.

Nguyễn Đỗ