Cà Mau: Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn

Sản xuất lúa - tôm được xem là mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân tại Cà Mau.

Thống kê cho thấy, năm 2022, diện tích sản xuất lúa - tôm của huyện Thới Bình (Cà Mau) đạt hơn 18.900ha, các loại giống lúa chủ yếu sử dụng trong mô hình lúa - tôm là ST24, ST25, OM 2517…

Ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thới Bình cho biết, hiệu quả mô hình lúa – tôm đã tăng dần. Bình quân năng suất lúa từ 3,8 tấn/ha năm 2013 tăng lên 4,8 tấn/ha vào vụ mùa năm 2021. Riêng năng suất tôm sú từ khi chuyển từ hình thức nuôi quảng canh truyền thống sang quảng canh cải tiến đã đạt 320 kg/ha, tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước đây.

tom-1667469727.jpg
Cà Mau phấn đấu đến năm 2030 xây dựng được hơn 40.000ha diện tích lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về hữu cơ, ASC. (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Cà Mau)

Theo ông Lê Văn Mưa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, Sản xuất lúa - tôm Trí Lực cho hay, trước đây, làm lúa - tôm thì bà con mình không được tập huấn nên chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm, sản xuất theo kiểu truyền thống, nhưng gần đây khi được tham gia hợp tác xã, sản xuất lúa hữu cơ, bà con được tạo điều kiện tập huấn kỹ thuật để hướng tới sản xuất bền vững. Do đi lên từ gian khó nên bà con ở đây đều cố gắng phấn đấu, mong muốn con tôm, hạt lúa khi được sản xuất ra sẽ đạt được giá trị trên thị trường quốc tế.

Nhờ thay đổi tư duy, chịu khó học hỏi, bà con đã đạt được hiệu quả trong sản xuất và đặc biệt là khi được các doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ xây dựng dự án tại vùng lúa - tôm theo tiêu chuẩn ASC. Trong đó, tôm sú được nuôi xen canh trong đất trồng lúa đạt điều kiện khắt khe theo quy định, môi trường sạch, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững. Sau khi con tôm sú đạt chứng nhận ASC, không chỉ giúp bà con tiếp cận được với các thị trường khó tính trên thế giới, có được thu nhập ổn định mà còn góp phần nâng cao giá trị con tôm Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau hiện có khoảng hơn 40.000ha canh tác lúa - tôm. Riêng xã Trí lực, huyện Thới Bình có khoảng có 2.900ha diện tích nuôi trồng thủy sản, đến nay có gần 600ha được công nhận ASC Group. Trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, ngành chức năng tỉnh đang xây dựng và mở rộng dần mô hình sản xuất lúa - tôm bền vững ở những khu vực đủ điều kiện. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng được hơn 40.000ha diện tích lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về hữu cơ, ASC. 

Được biết, hiện toàn tỉnh có 23 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa với diện tích 6.320ha, sản lượng tiêu thụ khoảng 30.000 tấn. Về lĩnh vực lâm nghiệp, có hai liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Vạn Lợi và Công ty cổ phần đầu tư Thúy Sơn với diện tích 340ha, sản lượng gỗ khai thác đạt 34.000m³, chiếm hơn 9% diện tích và 10% sản lượng gỗ khai thác toàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng có năm công ty chế biến xuất khẩu thủy sản phối hợp với các ban quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng và tôm - lúa với diện tích 22.330ha. Theo đó, nhiều năm nay, Cà Mau luôn đứng đầu cả nước về chế biến và xuất khẩu tôm. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 của tỉnh tiếp tục đạt trên 1 tỉ USD.

Hoàng Hà (t/h)