Cụ thể, thời gian qua, nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid – 19 và các diễn biến phức tạp về địa chính trị, chuỗi cung ứng trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu là một điểm sáng đặc biệt, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.
Theo Sở Công thương Cà Mau, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 1,1 triệu USD, tăng gần 10% so với năm 2020. Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của tỉnh đạt gần 848 triệu USD, bằng 73% kế hoạch, tăng hơn 42% so với cùng kỳ.
Một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu Việt Nam nói chung, của tỉnh Cà Mau nói riêng chính là các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, phải kể đến những hiệp định có hiệu lực gần đây như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)...
Kể từ khi các hiệp định bắt đầu có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau sang các thị trường thành viên của các hiệp định trên liên tục tăng, như: thị trường EU năm 2021 đạt 135 triệu USD, tăng gần 45% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2022 của Cà Mau vào thị trường Anh tăng gần 70% so với cùng kỳ.
Tại Hội thảo phổ biến Hiệp định thương mại mới cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp trên địa bàn do Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Cà Mau tổ chức, các chuyên gia dã cập nhật tình hình thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới, nêu bật tác dụng của các hiệp định này đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, điều này đặc biệt có ý nghĩa với địa phương có tiềm năng xuất khẩu thủy sản lớn như Cà Mau.
Qua đó, đại biểu được các chuyên gia, diễn giả giàu kinh nghiệm về các FTA, quản lý kinh tế đến từ VCCI Cần Thơ, Trung tâm tư vấn phát triền kinh tế thương mại Việt Nam - Hiệp hội thông tin, tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (Bộ Công Thương) giới thiệu những nội dung quan trọng về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và giới thiệu các FTA của Việt Nam có hiệu lực thời gian gần đây; quan hệ thương mại, hiệu quả tận dụng các ưu đãi từ hiệp định, đặc biệt là thuế quan, các thay đổi về mặt thể chế hướng đến việc phát triển bền vững; thuận lợi và khó khăn của Đồng bằng sông Cửu Long khi thực hiện các FTA; giải pháp tận dụng cơ hội từ các FTA đối với cơ quan chức năng và doanh nghiệp địa phương.
Thông qua hội thảo lần này, nhằm góp phần cung cấp thông tin đầy đủ và sâu hơn về các Hiệp định thương mại mới có hiệu lực trong thời gian gần đây đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là trong việc hoạch định chính sách, đưa ra các kế hoạch, phương hướng nhiệm vụ phù hợp, góp phần vào phục hồi, phát triển kinh tế của tỉnh nhà trong thời gian tới.