Bứt phá ngay từ đầu năm, xuất khẩu tôm Việt Nam được kỳ vọng đạt mục tiêu hơn 4 tỷ USD năm 2025

Giữ vị trí chủ lực của ngành thủy sản, dù đối mặt với nhiều thách thức, năm 2024, tôm Việt Nam đã xuất khẩu đến 107 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Ngay từ đầu năm 2025, tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1. Từ những nền tảng này, xuất khẩu tôm của Việt Nam được kỳ vọng đạt mục tiêu hơn 4 tỷ USD năm 2025.
xuat-khau-tom-3-1739930052.jpg
Bước sang năm 2025, tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1/2025, với giá trị xuất khẩu đạt 273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.(Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2025 đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 4 - 4,3 tỷ USD. VASEP nhận định, xuất khẩu mặt hàng này sẽ tăng trưởng nhờ vào sự điều chỉnh chiến lược sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng như: Australia, Trung Đông, Anh, Hàn Quốc...

Tại Hội nghị "Phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025", Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù đối mặt với nhiều thách thức, năm 2024, tôm Việt Nam đã xuất khẩu đến 107 thị trường, tăng thêm 5 thị trường so với năm 2023. Top 5 thị trường chính gồm: Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Nhóm thị trường này chiếm tới 76% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Bước sang năm 2025, tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1/2025, với giá trị xuất khẩu đạt 273,349 triệu USD, chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Thời điểm hiện nay, một số mặt hàng thủy sản đã có chiều hướng tăng giá, đặc biệt là giá tôm nguyên liệu. Đây cũng là tín hiệu vui cho người nuôi tôm tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích thả nuôi trong năm 2025.

xuat-khau-tom-2-1739930109.jpg
Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, VASEP cho rằng, công tác mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là yếu tố then chốt. (Ảnh minh họa)

Năm 2025, Cục Thủy sản đề ra mục tiêu diện tích tôm nuôi đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn (trong đó, tôm thẻ chân trắng trên 1 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 4,3 tỷ USD.

Theo Cục Thủy sản, để đạt mục tiêu trên, các địa phương cần bố trí đủ nguồn lực, tài chính, nhân lực; ưu tiên hạ tầng thuỷ lợi, điện, giao thông đầu mối cho vùng nuôi tôm trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành tôm địa phương. Thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.

Đối với các doanh nghiệp, người nuôi tôm, Cục Thủy sản cũng đề nghị cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh và tình hình mới của ngành tôm trong nước và toàn cầu, đặc biệt là chủ động nghiên cứu các yêu cầu mới của thị trường, áp dụng công nghệ mới/cải tiến quy trình sản xuất và triển khai trong quá trình sản xuất đảm bảo không vướng mắc các quy định mới.

Về sản xuất và thị trường xuất khẩu ngành tôm, theo VASEP, trong năm 2025, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu tôm nguyên liệu đầu năm 2025; tiếp tục cạnh tranh về giá và nguồn cung tôm với Ecuador, Ấn Độ; xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng bởi 2 vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD); thị trường Trung Quốc nhu cầu phục hồi mạnh hơn; kỳ vọng nhiều hơn thị trường tiềm năng như Australia, Trung Đông, Anh, Hàn Quốc…

xuat-khau-tom-1-1739930141.jpg
Theo VASEP, trong năm 2025, doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu tôm nguyên liệu đầu năm 2025.(Ảnh minh họa)

Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2025, VASEP kiến nghị: Cần có các chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp, người nuôi như tạo điều kiện về vốn, giải quyết bất cập liên quan đến chi phí tuân thủ quy định và thủ tục hành chính. Có biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất như giá thức ăn tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống. Đẩy mạnh mã số vùng nuôi phục vụ cho truy xuất nguồn gốc; có chính sách đầu tư, khuyến khích nuôi ngoài tôm chân trắng và cần giữ thế mạnh nuôi tôm sú.

Một số chuyên gia cũng nhận định, chính sách thuế của Mỹ đối với một số nước như Ecuador và Trung Quốc có thể là cơ hội xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ nếu biết tận dụng cơ hội và giải pháp phù hợp. Nếu có động lực hỗ trợ và tháo gỡ những bất cập nội tại trong sản xuất, chế biến và cả chuỗi giá trị, xuất khẩu tôm năm 2025 có thể hướng tới mục tiêu trên 4 tỷ USD.

Để tăng sức cạnh tranh và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025, VASEP cho rằng, công tác mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là yếu tố then chốt. Theo đó, cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, truy xuất nguồn gốc./.

Thủy sản Việt Nam suy giảm tại thị trường Hoa Kỳ và EU

Trong tháng 1/2025, thị trường xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam ghi nhận sự chênh lệch lớn trong xu hướng tiêu thụ. Trong khi thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng trưởng 64,9%, thị trường Hoa Kỳ và EU lại gặp khó khăn với sự suy giảm 16,0% và 17,6% tương ứng.

Sự suy giảm tiêu dùng tại Hoa Kỳ do chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, có thể sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm và cá hồi. Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản dễ chế biến, như tôm đông lạnh, có thể giúp bù đắp phần nào sự giảm sút trong tiêu thụ các sản phẩm cao cấp.

Thị trường ASEAN ghi nhận sự tăng trưởng ổn định với mức tăng 10,5%, cho thấy tiềm năng từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á vẫn là một điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Các thị trường Trung Đông và các thị trường khác đều có sự suy giảm tiêu thụ, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược xuất khẩu cho phù hợp.

Theo VASEP, trong năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu dự báo sẽ có nhiều biến động, với các yếu tố như thay đổi thói quen tiêu dùng, chính sách thuế quan và biến động cung cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, sự giảm sút trong nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các sản phẩm như tôm, cá tra và cá ngừ.

Tuy nhiên, VASEP cũng cho rằng với việc gia tăng nhu cầu từ các thị trường ASEAN và các chính sách thuế quan hỗ trợ từ các quốc gia lớn, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025. Việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng các thị trường xuất khẩu mới sẽ là yếu tố quyết định để ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai.

Bình Nguyên