Nâng chất công nghệ chế biến sâu
Hiện nay, ngành tôm đứng trước nhiều sự cạnh tranh khác nhau. Vì vậy, để phát triển ổn định, tôm Việt Nam đang được các doanh nghiệp hướng tới chế biến sâu.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết trong lĩnh vực chế biến tôm, cả thế giới có được 6 quốc gia, Việt Nam và Thái Lan là 2 quốc gia đứng đầu về công nghệ chế biến sâu.
Cũng nhờ vào sự đầu tư công nghệ hiện đại, nên dù phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh mẽ từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, Indonesia, tôm Việt Nam vẫn có thể đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường quốc tế so với các quốc gia khác. Chính vì vậy, để giữ được vị thế xuất khẩu và ứng phó với chênh lệch giá thành tôm nguyên liệu, ngành tôm Việt phát huy thế mạnh là chế biến sâu, đa dạng sản phẩm chế biến sâu để duy trì thị phần.
Cũng theo ông Hồ Quốc Lực cho biết tôm Việt Nam đã vươn lên, khẳng định vị trí hàng đầu về đẳng cấp chế biến và lần lượt chiếm lĩnh các thị trường, thị phần tôm cao cấp, nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU và Australia... Trình độ chế biến tôm của Việt Nam đang không ngừng tăng, với mặt hàng mới ngày càng phong phú.
Mặc dù công nghệ chế biến hiện đại góp phần nâng cao chất lượng cho con tôm chế biến nhưng cũng cần có những yếu tố như bàn tay khéo léo của đội ngũ lao động mới hoàn thiện sản phẩm. Đây là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài yếu tố đẳng cấp chế biến, doanh nghiệp chế biến tôm Việt Nam còn hướng đến sử dụng lợi thế về mặt vị trí địa lý với nhiều thị trường gần.
Theo ông Hồ Quốc Lực, có không ít doanh nghiệp lo ngại rằng tôm Ecuador và Ấn Độ lợi thế hơn Việt Nam khi bán sang Mỹ và châu Âu. Nhất là nhu cầu hàng chế biến trung bình, khá ở hai thị trường này tương đối lớn.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng biết chọn lối đi phù hợp, khi tập trung bán tôm vào Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là hai thị trường có lợi thế địa lý lớn hơn so các nước khác; ngoài việc giữ vững thị trường Mỹ, EU, Australia... Tại những thị trường như Nhật Bản và Hàn Quốc, tôm Việt Nam có thu hút về mẫu mã đẹp, đồng đều và chất lượng ổn định và từ đó giữ vị thế đứng đầu.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tại thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng vẫn rất ưa chuộng sản phẩm tôm sú hấp với màu đỏ bắt mắt. Để tạo ra sản phẩm chất lượng và mẫu mã làm hài lòng khách hàng, công nghệ chế biến đóng vai trò rất lớn.
Ghi nhận từ VASEP cho biết trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, thị trường Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) tăng trưởng 275% so với cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng xuất khẩu tôm năm 2024
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 100 thị trường và nằm trong tốp 4 thế giới về xuất khẩu tôm, cùng với Ecuador, Ấn Độ và Indonesia. Năm 2024, dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10-15%. Kim ngạch xuất khẩu tôm dự kiến đạt từ 4-4,3 tỷ USD.
Bà Trần Thuỵ Quế Phương, Chánh Văn phòng VASEP cho biết, ngành tôm Việt Nam đã dần phục hồi từ tháng 9-2023 giúp thu hẹp biên độ sụt giảm nghiêm trọng trong những tháng đầu năm. Điều này dẫn đến kết quả xuất khẩu tôm năm 2023 đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 21,5% so với cùng kỳ. “Đầu năm 2023 xuất khẩu tôm sang các thị trường đều giảm mạnh, nhưng đến những tháng cuối năm có dấu hiệu phục hồi nhẹ nên tổng kim ngạch xuất khẩu tôm năm ngoái đã chặn được đà giảm sâu”, bà Phương nhìn nhận.
Dù kết quả khởi đầu năm 2024 thuận lợi nhưng bà Phương dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam cả năm nay chỉ tăng khoảng 10-15% so với năm trước đó. Yếu tố tiêu cực của năm 2023 vẫn còn ảnh hưởng tiếp trong năm 2024 nên dự đoán ngành tôm toàn cầu vẫn đối mặt với sự tăng trưởng không chắc chắn. Tuy nhiên, cơ hội để xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay mức tăng trưởng như trên là vẫn có.
Cơ sở để VASEP đưa ra dự báo nêu trên là kinh tế thế giới có sự phục hồi, khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân được cải thiện. Tiếp đó, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế dẫn đầu thế giới đối với phân khúc sản phẩm chế biến, dễ dàng khai thác được những thị trường yêu cầu cao phân khúc sản phẩm này, nhất là Nhật Bản.
Ngoài ra do biến động tình hình vận chuyển hàng hoá, nhất là vấn đề Biển Đỏ giúp Việt Nam có lợi thế so với các đối thủ trong khai thác nhóm các thị trường có vị trí địa lý gần, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Sự tăng trưởng ở các thị trường nhỏ lẻ cũng là động lực góp phần giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng thời gian tới.
Dẫu vậy, một số yếu tố vẫn có tác động tiêu cực đến xuất khẩu tôm Viêt Nam được bà Phương nêu ra, đó là nguồn cung tôm toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhất là từ Ecuador- vốn là quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với tôm Việt Nam; sản xuất nguyên liệu cung cấp cho chế biến xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện; biến đổi khí hậu và chi phí đầu vào tăng cao, khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh…
Tại hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024” diễn ra vào cuối tháng 2, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng nuôi trồng thuỷ sản thuộc Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, kế hoạch diện tích sản xuất tôm nước lợ cả nước năm 2024 dự kiến đạt 737.000 héc ta. Trong đó, tôm sú đạt 622.000 héc ta và còn lại là tôm thẻ chân trắng. Về sản sản lượng đạt 1,065 triệu tấn với tôm sú đạt 300.000 tấn và còn lại là tôm thẻ chân trắng.
Tuy nhiên, sản xuất tôm Việt Nam năm 2024 dự báo tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường và giá thành sản xuất tôm nguyên liệu cao, dẫn đến khó cạnh tranh trong xuất khẩu./.