Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhằm hiện thực mục tiêu tăng trưởng, đưa đất nước tăng tốc phát triển trong kỷ nguyên mới

Để đạt tăng trưởng đề ra, yêu cầu đặt ra cho cộng động doanh nghiệp tư nhân đó là tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó để tăng tốc phát triển trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
vai-tro-doanh-nghiep-4-1740124268.jpg
Hiện nay, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh.(Ảnh minh họa)

Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh

Hiện nay, doanh nghiệp nước ta đã phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng năm 2024, có trên 233.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay.

Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới; chủ động tham gia và khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Lực lượng doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Thời gian qua, lực lượng doanh nghiệp đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhằm hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên vào năm nay và tạo nền tảng tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo- đang đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn, nhà nước tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở tăng trưởng, phát triển cần được ưu tiên gỡ ngay- nhằm tạo không gian tăng trưởng cho nền kinh tế.

vai-tro-doanh-nghiep-2-1740124351.jpg
Riêng năm 2024, có trên 233.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất từ trước đến nay.(Ảnh minh họa)

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không gian tăng trưởng nhìn ở góc độ doanh nghiệp là chất lượng các quy định, chất lượng thực thi và chất lượng phối hợp. Đồng thời cho rằng, động lực tăng trưởng sẽ có được khi giải quyết được 2 nhóm vấn đề: một là, nhóm thủ tục đưa vốn nhanh vào nền kinh tế; hai là, nhóm thủ tục đưa hàng nhanh vào thị trường.

Cùng đó rà soát, ưu tiên gỡ ngay quy trình liên quan đến nhóm thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng- chấm dứt tình trạng 1 dự án phải mất 2-3 năm mới hoàn tất thủ tục; tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn thể chế… để từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp bứt phá, góp phần vào việc thực hiện hoá mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Ông Đậu Anh Tuấn nêu thực tế, tại một số địa phương hiện tăng trưởng liên tục hai con số gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang hoặc tỉnh nhỏ như Trà Vinh… Trong đó, đặc điểm chung của các tỉnh tăng trưởng hai con số là môi trường kinh doanh rất thuận lợi, thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, thuận lợi và tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh rất tốt, vì thế đưa ra đề xuất:

Chúng ta nên nghiên cứu mô hình các địa phương tăng trưởng hai con số, đây là bài học ở cấp độ quốc gia. Làm sao tạo không gian các địa phương năng động sáng tạo, thay vì chỉ 7-8 địa phương tăng trưởng hai con số, nếu chúng ta có 30- 40 địa phương tăng trưởng hai con số, chắc chắn tốc độ tăng trưởng Việt Nam sẽ cải thiện mạnh mẽ.

Gần 40 năm đổi mới, lực lượng doanh nghiệp ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.

Để đạt tăng trưởng đề ra, yêu cầu đặt ra cho cộng động doanh nghiệp tư nhân đó là tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đó để tăng tốc phát triển trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản trị, đẩy mạnh đầu tư và tận dụng tối đa cơ hội phát triển

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ xác định “phấn đấu năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt khoảng 55%”.

Muốn làm được điều đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế để “hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể” hiện nay lớn lên, cùng với hơn 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động trở thành một cánh đồng có hàng “triệu doanh nghiệp” đủ sức hấp thụ khoa học công nghệ và những tiến bộ mới, những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Ngoài ra, để GDP tăng trưởng 8%, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 16%. Nhưng làm sao gỡ những “nút thắt” về cơ chế để khối kinh tế tư nhân hấp thụ được nguồn vốn tín dụng này đẩy mạnh sản xuất kinh doanh mà không làm tăng nguy cơ nợ xấu là vấn đề cần đặt ra và phải giải quyết.

vai-tro-doanh-nghiep-3-1740124410.jpg
Nhiều ý kiến chuyên gia chỉ ra rằng, cùng với việc tăng đầu tư công, cần quan tâm đến các dự án đầu tư của khu vực tư nhân. (Ảnh minh họa)

Nhiều ý kiến chuyên gia chỉ ra rằng, cùng với việc tăng đầu tư công, cần quan tâm đến các dự án đầu tư của khu vực tư nhân. Cần đánh giá chính xác hơn những khó khăn của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu, giúp họ chủ động chống chịu trước những biến động của thị trường thế giới.

Một giải pháp lớn, căn cơ nữa là cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bằng một nghị quyết hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị “cần đặt mục tiêu tăng trưởng đầu tư tư nhân lên 2 con số. Bởi nếu đầu tư tư nhân chỉ tăng trưởng 7-9% sẽ rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng chung”.

“Khoán tăng trưởng” nhưng phải gắn liền với cơ chế thuận lợi để “thúc” tư nhân bỏ vốn đầu tư phát triển. Đó mới là giải pháp quan trọng để kinh tế tư nhân đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng chung của đất nước.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo đạt mức tăng trưởng hai con số. Để thực hiện điều này, Thủ tướng kêu gọi các DN, đặc biệt là các tập đoàn lớn, chủ động đổi mới, đẩy mạnh đầu tư và hợp tác để đóng góp tích cực vào nền kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong thành tựu chung của đất nước, cộng đồng DN, nhất là các DN lớn, đã có những đóng góp quan trọng. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần vượt khó của DN trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời nhấn mạnh rằng sự phát triển của DN chính là động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Theo Thủ tướng, một điểm mới trong năm 2025 là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương và DN nhà nước. Thủ tướng nhấn mạnh rằng nếu các địa phương và DN chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện tại thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản trị, đẩy mạnh đầu tư và tận dụng tối đa cơ hội phát triển.

Thủ tướng cũng chỉ ra rằng thể chế là một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay nhưng đồng thời cũng là lĩnh vực có thể tạo ra những đột phá quan trọng. Chính phủ đã yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát và báo cáo hằng tháng về những vướng mắc trong chính sách, bao gồm miễn giảm thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, thuê mặt nước cũng như các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, đất đai, giấy phép đầu tư.

vai-tro-doanh-nghiep-1-1740124450.jpg
Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 này, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực. (Ảnh VGP)

Thủ tướng nhấn mạnh rằng việc hoàn thiện chính sách không chỉ dựa trên quyết định của Chính phủ mà cần có sự đóng góp tích cực từ cộng đồng DN, bởi thực tiễn đã chứng minh rằng nhiều quy định mới về đất đai và môi trường đều xuất phát từ ý kiến của DN.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ tổ chức các cuộc đối thoại chuyên sâu với DN nhỏ và vừa, DN FDI và hệ thống ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, đầu tư và thị trường. Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN không chỉ phản ánh vấn đề mà còn chủ động đề xuất giải pháp thực tế, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách điều hành kinh tế.

Đặt ra yêu cầu về tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Thủ tướng kêu gọi DN phân tích kỹ tình hình, chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những biến động có thể xảy ra, đồng thời tăng cường hợp tác với các địa phương và DN khác nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ.

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển, nhưng đồng thời cũng yêu cầu DN phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và có trách nhiệm với sự phát triển bền vững của đất nước./.

Trọng Bình